Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng sản xuất

( Cập nhật lúc: 18/04/2017  )

Theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đến 31/12/2016 diện tích trồng rừng của toàn tỉnh Bắc Kạn là 91.128,2 ha, bằng 18,75% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh và bằng 26,25% diện tích đất lâm nghiệp có rừng. Trong đó diện tích trồng rừng đã thành rừng là 67.809,7 ha, diện tích trồng rừng chưa thành rừng là 23.318,5 ha. Tuy nhiên trên thực tế có một số diện tích rừng trồng sinh trưởng phát triển kém, hiệu quả thấp do trồng dày và việc chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng chưa đúng thời gian, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng góp phần phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống người dân, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn, Vườn Quốc gia Ba Bể, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn thực hiện tốt một số công việc sau:

 Đối với diện tích trồng rừng sản xuất nhưng chưa thành rừng(rừng trồng chưa khép tán)

Đối với diện tích được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020: Hướng dẫn, đôn đốc bên nhận khoán trồng rừng thực hiện chăm sóc rừng trồng, kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện của bên nhận khoán.

Đối với diện tích do chủ rừng tự đầu tư: Tuyên truyền, vận động chủ rừng chăm sóc và bảo vệ rừng trồng.

Thời gian chăm sóc, biện pháp kỹ thuật chăm sóc bảo vệ rừng trồng thực hiện theo hướng dẫn số 835/SNN-CCLN ngày 26/9/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

 Đối với diện tích trồng rừng sản xuất đã thành rừng đang trong thời gian nuôi dưỡng

Rừng trồng phải được nuôi dưỡng từ khi rừng non khép tán đến trước kỳ khai thác 3 - 5 năm với rừng kinh doanh gỗ nhỏ và 8 - 12 năm với rừng kinh doanh gỗ lớn. Biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng chủ yếu là chặt tỉa thưa, tỉa cành, bón phân, xử lý đất. Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn, Vườn Quốc gia Ba Bể, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động và hướng dẫn chủ rừng hoặc bên nhận khoán thực hiện các biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng rừng trồng với một số nội dung chủ yếu như sau:

 Hình thức tuyên truyền vận động và hướng dẫn: Lồng ghép trong các cuộc họp thôn, bản, tổ phố; các cuộc tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng; trao đổi trực tiếp với các chủ rừng hoặc bên nhận khoán.

 Nội dung

Tuyên truyền vận động và hướng dẫn các chủ rừng hoặc bên nhận khoán một số nội dung chủ yếu như sau:

 Mục tiêu nuôi dưỡng rừng trồng:

 Loại trừ cây phẩm chất xấu, cây sâu bệnh, cây chèn ép cây trồng chính.

 Điều chỉnh và tạo tổ thành hợp lý cho rừng trồng hỗn loại ở từng giai đoạn nuôi dưỡng.

 Điều chỉnh và tạo mật độ hợp lý cho rừng trồng ở từng giai đoạn tuổi để rừng đạt năng suất và giá trị thương phẩm cao.

 Rút ngắn chu kỳ kinh doanh với điều kiện không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cuối cùng.

 Tận dụng được sản phẩm trung gian tương xứng với đầu tư và bảo đảm được yêu cầu sử dụng đất bền vững.

 Đối với một số loài cây ưa sáng, sinh trưởng nhanh (các loài Keo, Mỡ …vv) cần kết hợp tuyên truyền vận động chủ rừng chuyển từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) sang rừng kinh doanh gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) để nâng cao chất lượng gỗ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng.

 Nguyên tắc xác định cây nuôi dưỡng và cây bài chặt:

 Đối tượng nuôi dưỡng là những cây sinh trưởng bình thường, có phẩm chất tốt, tán lá cân đối, ít cành mắt lớn, không có biểu hiện sâu bệnh và phân bố đều trong lô.

 Đối tượng bài chặt là những cây sinh trưởng xấu, sắp bị đào thải, cong queo sâu bệnh, cụt ngọn và cây kém giá trị kinh tế, cây nhiều mắt cành đang chèn ép cây mục đích.

 Thời gian chặt nuôi dưỡng thực hiện trước mùa sinh trưởng. Số lần chặt từ khi rừng non khép tán đến lúc khai thác, đối với rừng kinh doanh gỗ lớn là 1 - 3 lần và 1 - 2 lần đối với rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Riêng với loài cây ưa sáng mọc nhanh có trục thân thẳng, cần tỉa sớm và mạnh. Trường hợp đặc biệt, với chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc rừng có mật độ hợp lý thì không cần chặt nuôi dưỡng.

 Cường độ chặt nuôi dưỡng: Cần xác định cường độ chặt nuôi dưỡng phù hợp để đảm bảo cho rừng có mật độ hợp lý, tán cây mục đích có đủ không gian dinh dưỡng nhưng không tạo ra khoảng trống lớn trong mỗi lần chặt nuôi dưỡng. Tùy theo đặc điểm sinh thái của từng loài cây, điều kiện lập địa, mật độ, mục tiêu sản xuất và tình hình sinh trưởng của rừng, xác định cường độ chặt nuôi dưỡng theo một trong 3 mức độ sau:

 Cường độ mạnh: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính, mật độ từ 500 cây đến 600 cây/ha đối với cây gỗ lớn, cây bản địa và từ 700 cây/ha đến 800 cây/ha đối với cây gỗ nhỏ.

 Cường độ trung bình: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/2 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính, mật độ từ 700 cây đến 800 cây/ha đối với cây gỗ lớn, cây bản địa và từ 900 cây/ha đến 1.200 cây/ha đối với cây gỗ nhỏ.

 Cường độ yếu: Khoảng cách giữa các cây chừa bằng 1/3 đường kính tán cây ở tuổi khai thác chính, mật độ từ 900 cây đến 1.000 cây/ha đối với cây gỗ lớn, cây bản địa và từ 1.200 cây/ha đến 1.500 cây/ha đối với cây gỗ nhỏ.

 Tận dụng sản phẩm trung gian: Trước khi chặt nuôi dưỡng và tận dụng gỗ, chủ rừng có đơn đề nghị chặt nuôi dưỡng, kèm theo bảng kê gửi cấp thẩm quyền, trong đó nêu rõ về địa danh, thống kế khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc gỗ khi lưu thông tiêu thụ, cụ thể như sau:

 Chủ rừng là tổ chức gửi bảng kê lâm sản đến Hạt Kiểm lâm sở tại.

 Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gửi bảng kê lâm sản đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

Giao Hạt Kiểm lâm các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn, Vườn Quốc gia Ba Bể chỉ đạo kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong khai thác và tận dụng gỗ của các chủ rừng để xử lý theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc lợi dụng chặt nuôi dưỡng để khai thác lạm dụng lâm sản./.

Thuý Hà