Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật phòng trừ bệnh thán thư hại cây hồng không hạt

( Cập nhật lúc: 17/04/2020  )

Bệnh thán thư do nấm gây ra, là bệnh hại phổ biến và nguy hiểm trên nhiều loại cây ăn quả trong đó có cây hồng không hạt.

 Vết bệnh thán thư trên cành

Bệnh gây hại chủ yếu trên các phần non của cây như chồi, lá, cành non, trên hoa, quả. Trên lá vết bệnh lúc đầu nhỏ, hơi tròn màu nâu, về sau không có hình dạng nhất định, ở giữa có màu nâu xám nhạt xung quanh viền nâu thẫm. Trên cành và quả vết bệnh màu nâu, hình hơi tròn, lõm vào trong vỏ, trên đó cũng có các ổ bào tử màu đen.

Bệnh phát sinh phát triển trong điều kiện ẩm độ cao, sương mù nhiều. Đặc biệt, bệnh thường phát triển mạnh trong giai đoạn cây hồng ra lộc, ra nụ hoa - quả non.

Nếu không phòng trừ kịp thời bệnh thán thư hại nặng làm khô cành, lá rụng, quả rụng và thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của các đồi trồng hồng không hạt. 

 Bệnh thán thư gây rụng lá

Để phòng, trừ  bệnh thán thư hại cây hồng không hạt, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng để hạn chế việc phát sinh và lây lan của nấm bệnh. Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều phân đạm nhất là thời kỳ cây đang mang bệnh. Thu gom lá, cành và quả bị bệnh đưa ra khỏi vườn để khô rồi đốt hoặc chôn sâu cùng với vôi bột để tiêu hủy nguồn bệnh, tránh để lây lan.

Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng các thuốc như: Score 250EC, Amistar® 250SC, Amistar top 325SC, Ridomil Gold 68WG … phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

Lưu ý: Phun kỹ, phun thuốc đều trên tán lá và tuân thủ kỹ thuật “4 đúng” khi sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật.

Phạm Thu