Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phương án phòng, chống dịch bệnh dại cho đàn vật nuôi năm 2018

( Cập nhật lúc: 02/02/2018  )

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát hiện 40 con gia súc bị chết do mắc bệnh dại (gồm 39 con chó và 01 con trâu), trong số chó mắc bệnh dại trên có 5 con chó đã cắn 8 người dân tại địa phương phải đi điều trị dự phòng, để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhằm hạn chế các ổ dịch cũ tái phát, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển từ các tỉnh ngoài xâm nhập vào địa bàn Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2018, với các nội dung sau:

 

Công tác cống dịch

 Tăng cường công tác thông tin truyên truyền, tập huấn kiến thức cung cấp cho nhân dân hiểu biết về bệnh Dại động vật để chủ động phòng, chống dịch. Nâng cao ý thức cộng đồng, vận động nhân dân tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động chăn nuôi. Khi phát hiện có động vật ốm, có biểu hiện ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn chặn dịch lây lan; tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ, vận động người dân tích cực tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi.

Vận động nhân dân thực hiện “5 không”, như không dấu dịch; không mua gia súc, gia cầm mắc bệnh, sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh; không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh; không chăn thả rông, không tự vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc, gia cầm mắc bệnh bừa bãi ra môi trường.

Về công tác kiểm tra, giám sát, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường theo dõi, giám sát đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, khi mua bán con giống phải rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn dịch bệnh; khi phát hiện dịch bệnh hoặc động vật nghi mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, trạm thú y các huyện, thành phố phải cử cán bộ đi kiểm tra, xác minh dịch bệnh, đồng thời phối hợp với chính quyền quyền địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Công tác vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, thức ăn, nước uống phục vụ chăn nuôi phải đảm bảo sạch, hợp vệ sinh và không nhiễm bệnh.

 Tiêm vắc xin phòng bệnh, tiêm vắc xin Rabigen hoặc Rabisin cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Công tác chống dịch bệnh dại động vật

- Công bố dịch và thẩm quyền công bố dịch, thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật thú y ngày 19/6/2015.

 - Khai báo và xử lý đối với ổ dịch đầu tiên nghi mắc bệnh, khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện khác thường như bỗng nhiên trở nên hung dữ, cắn người hay động vật khác một cách vô cớ thì chủ vật nuôi phải khai báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, đồng thời nhốt riêng chó, mèo nghi mắc bệnh, không cho tiếp xúc với động vật cảm nhiễm xung quanh để theo dõi trong vòng 21 ngày.

Khi nhận được thông báo nghi chó, mèo mắc bệnh dại, cán bộ thú y cơ sở phải báo ngay cho trạm thú y huyện, thành phố bằng điện thoại khẩn cấp, ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản ghi rõ tên, địa chỉ chủ vật nuôi, đặc điểm vật nuôi và các nội dung khác có liên quan gửi UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan thú y cấp huyện.

Khi nhận được thông báo của thú y viên cơ sở hoặc chủ vật nuôi, trạm thú y phải nhanh chóng đến kiểm tra, xác minh, hướng dẫn chủ vật nuôi các biện pháp cách ly chó, mèo, động vật mắc bệnh khác, hướng dẫn vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đồng thời thông báo và phối hợp với cơ quan y tế gần nhất để tăng cường các biện pháp phòng bệnh dại cho người, khẩn trương báo cáo cơ quan thú y cấp trên.

- Các biện pháp xử lý đối với ổ dịch:

Tiêu hủy ngay chó, mèo chết do bệnh dại, chó mèo nghi mắc bệnh dại; chó, mèo khỏe mạnh nhưng chưa được tiêm phòng dại, được nuôi nhốt chung chuồng với chó, mèo mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại.

Tiêm phòng vắc xin dại khẩn cấp cho chó, mèo ở vùng có dịch; đối với trường hợp dịch dại xảy ra ở diện rộng thì tiêu hủy tất cả chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chó mèo chưa tiêm phòng không chờ kết quả xét nghiệm.

- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng:

Sau khi dọn rửa, vệ sinh cơ giới, tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực tiêu hủy hoặc chôn chó, mèo mắc bệnh, khu vực đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng.

Người tham gia quá trình xử lý, tiêu hủy chó, mèo phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp, phải được tiêm phòng vắc xin dại phòng, chống phơi nhiễm và vệ sinh tiêu độc khử trùng khi kết thúc công việc.

Khi có dịch xảy ra thì tất cả chó, mèo trên địa bàn xã phải được nuôi nhốt, theo dõi trong vòng 15 ngày, tất cả chó, mèo thả rông phải được tiêu hủy.

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và động vật cảm nhiễm chưa được tiêm phòng trong toàn huyện, tiêm phòng khẩn cấp xắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch. Trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng cho đàn chó, mèo, trạm thú y phối hợp với UBND cấp xã lập danh sách trình UBND cấp huyện ra quyết định cưỡng chế buộc tiêu hủy, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

  - Công bố hết dịch dại động vật: Theo quy định tại Điều 31 Luật thú y ngày 19/6/2015.

Nguồn kinh phí thực hiện phòng, chống dịch: Được giao theo Quyết định số 2088/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

- Kinh phí chống dịch: Cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí thực hiện công tác chống dịch theo quy định; cấp huyện sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện

- Nội dung chi kinh phí phòng dịch:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ gồm các khoản sau: Mua thuốc sát trùng, vật tư, vắc xin, bảo hộ lao động, công chỉ đạo chống dịch của BCĐ cấp tỉnh, công trực chống dịch của tổ phản ứng nhang; chi trả kinh phí hoạt động của trạm kiểm dịch liên ngành tạm thời do tỉnh quyết định thành lập (tiền công trực, mua vật tư và công phun thuốc khử trùng tiêu độc tại trạm kiểm dịch liên ngành).

Ngân sách cấp huyện chi trả theo phương án phòng, chống dịch của huyện và hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ tiêu hủy gia súc ( hỗ trợ cho chủ hộ chăn nuôi, công thuê người đào hố, vận chuyển, chôn lấp..); công tiêm phòng; công chống dịch của BCĐ cấp huyện, xã; công phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các xã; chi phí cho trạm kiểm dịch do UBND cấp huyện thành lập; một số chi phí khác của huyện.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ

Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật.

Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y.

Quyết định số 2050/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc quy định các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa; mức hỗ trợ trực tiếp về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Quyết định số 50/QĐ-SNN ngày 06/3/2017 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn về việc quy định giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tổ chức thực hiện

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật; hướng dẫn về chuyên môn, triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và cung ứng đầy đủ vắc xin, vật tư, thuốc sát trùng để triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị lực lượng cán bộ chuyên môn, kiểm dịch viên sẵn sàng phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

UBND các huyện, thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động bố trí nguồn kinh phí và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư sắn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra./.

Hồng Thắng