Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc cây cây hồng không hạt giai đoạn sau thu hoạch quả

( Cập nhật lúc: 20/12/2017  )

Hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản của Bắc Kạn, theo thống kê năm 2017 toàn tỉnh Bắc Kạn có trên 800ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 400ha và sản lượng ước đạt 1.850 tấn. 

 Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn kiểm tra vườn Hồng không hạt

Kế hoạch năm 2018 diện tích cho thu hoạch khoảng 600ha, sản lượng ước đạt 2.350 tấn quả. Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT định hướng một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây hồng không hạt thời kỳ sau thu hoạch quả để góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm ở vụ tiếp theo, nội dung cụ thể như sau:

1. Tỉa cành, tạo tán: Tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật bởi năng suất cây ăn quả được hình thành từ bộ lá do quá trình quang hợp chuyển năng lượng mặt trời thành các chất hữu cơ. Cây muốn có năng suất thì diện tích lá phải lớn và giảm thiểu được việc các lá che lẫn nhau, muốn vậy phải bằng mọi cách kích thích cây ra chồi, lá mới mà tạo cành tỉa tán là cách làm không thể thiếu.

Thực hiện đốn dọn cho cây thông thoáng, cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành gẫy, cành bị sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn tùy thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm tỉa lại có 1 năm tỉa đau để định hình lại tán làm sao cho tán phù hợp với sự phát triển bộ rễ.

2. Bón phân cho cây: Cần bổ sung dinh dưỡng cho cây sau một vụ nuôi quả, lúc này cây gần như kiệt quệ nên sau khi thu hoạch cần nhanh chóng giúp cây phục hồi bằng cách bón phân sau khi tỉa cành tạo tán. Mặt khác, cũng như cành lá, sau một thời gian bộ rễ của cây cũng bị già đi và cần có những tác động để kích thích bộ rễ phát triển mới.

* Đối với vườn đang cho quả: Bón phân lần 1 vào tháng 12/2017 đến tháng 1/2017, lượng phân tính cho 01ha (mật động trồng trung bình 400cây/ha) và thay đổi theo tuổi cây như sau:

- Tuổi cây từ 4 đến 10 năm, bón 96 - 144kg đạm + 192 - 256kg lân + 60 - 80kg kaly.

- Tuổi cây từ 11 đến 20 năm bón 144 - 192 kg đạm + 256 - 384 kg lân + 80 - 120 kg kaly.

- Tuổi cây trên 20 năm bón 240 - 288 kg đạm + 480 - 520 kg lân + 120 - 160 kg kaly.

 * Cách bón phân: Nên bón theo rãnh hình chiếu dưới tán lá. Trước lúc bón cần xới đất lên, trộn chung cả 2 loại trên, rải đều rồi xới đất lại để vùi phân vào đất. Việc cuốc đất lên sẽ làm cho đất thoáng khí, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy cuiả phân bón.

* Riêng đối với những diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản bà con nông dân cần tủ gốc, giữ ẩm cho cây để cây sinh trưởng thuận lợi.

3. Quản lý sâu bệnh: Sau thu hoạch phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom các tàn dư thực vật ra khỏi vườn và chôn vào hố để sau này có thể sử dụng bón lại cho vườn cây.

Khi vườn cây hồi phục, nhú chồi mới cũng là lúc lứa sâu bệnh mới tấn công vườn. Bởi vậy sau khi nhú lộc non cần kiểm tra vườn thường xuyên, khi phát hiện có sâu hại với mật độ cao, thì có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học như dầu khoáng hoặc thuốc có khả năng lưu dẫn. Thực hiện phun thuốc vào buổi chiều mát và áp dụng kỹ thuật “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật./.

Hồng Thắng