Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khắc phục hậu quả mưa bão trên cây trồng vụ mùa năm 2018

( Cập nhật lúc: 09/08/2018  )

Để chủ động khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra đối với cây trồng, đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 đề ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV vừa ban hành văn bản số 277/TT&BVTV, trong đó đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung phối hợp chỉ đạo hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trên cây trồng nội dung cụ thể như sau:

1. Trên cây lúa

Đối với diện tích lúa gieo cấy sớm, đang ở giai đoạn đẻ nhánh, không bị ngập trắng, thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, làm cỏ sục bùn, tăng cường bón bổ sung kali, phun bổ sung qua lá thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân bón qua lá cho lúa; bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại như bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Đối với diện tích lúa mới cấy bị ngập, thoát nước kịp, có khả năng phục hồi cần điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước; té nước rửa lá, tạo điều kiện thuận lợi cho cây quang hợp. Tiến hành tra dặm đối với những diện tích bị mất khoảng để đảm bảo mật độ; phun bổ sung các chế phẩm sinh học như siêu lân, kali, ... khi lá đã khô và phục hồi theo liều lượng trên bao bì để giúp cây tăng sức sinh trưởng, đề kháng. Rút cạn nước chỉ để láng mặt ruộng, tiến hành bón thúc lần 1 ngay khi thấy cây ra rễ non mới.

Đối với diện tích lúa bị ngập úng kéo dài, không có khả năng phục hồi cần khẩn trương bừa san lại ruộng, rút cạn nước và tranh thủ cấy ngay khi còn trong thời vụ (trong tháng 7), có thể tỉa từ các chân ruộng gieo sạ, cấy dày để cấy hết diện tích; sử dụng các giống lúa ngắn ngày như PC6, Khanh dân 18, Khang dân đột biến, ... để ngâm ủ, gieo thẳng ngay nếu nước rút kịp thời. Trường hợp đã quá thời vụ gieo cấy lúa, sau khi rút nước tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chủ động chuyển đổi sang trồng các cây rau, màu khác cho phù hợp.

2. Đối với rau màu và các cây trồng khác

Khẩn trương thu hoạch những diện tích đã đến thời gian thu hoạch, tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng.

Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng, ... để phun phòng nấm bệnh phát sinh, gây hại, kết hợp bổ sung phân bón, xới xáo đất, tạo điều kiện thuận lợi giúp cây phục hồi, sinh trưởng, phát triển.

Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất gieo trồng lại đối với những diện tích không có khả năng phục hồi./.

Hồng Thắng