Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa xuân

( Cập nhật lúc: 01/12/2017  )

Bệnh lùn sọc đen phương Nam (sau đây gọi tắt là bệnh lùn sọc đen) là một trong những đối tượng bệnh hại nguy hiểm trên cây lúa do virus gây ra và môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Khi bị bệnh nặng cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát, hạt bị đen và không cho thu hoạch.

 Ruộng lúa bị bệnh lùn sọc đen gây hại giai đoạn đẻ nhánh

Vụ mùa 2017 tỉnh Bắc Kạn có 900,4225 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và UBND tỉnh đã phải ban hành Quyết định công bố dịch lùn sọc đen gây hại tại 76 xã trên toàn tỉnh. Trong đó: Diện tích bị thiệt hại năng suất dưới 30% là 139,9001ha;  Diện tích lúa bị thiệt hại năng suất từ 30 % đến 70% là 488,1526ha và diện tích lúa bị thiệt hại năng suất trên 70% (mất trắng) là 272,3698ha.

Ngoài cây lúa, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên ngô, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng, vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa vi rút để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó.

Rầy lưng trắng mang vi rút có thể sống qua đông, vi rút vẫn tồn tại trong cơ thể rầy và di chuyển rất xa theo gió, bão để gây bệnh cho lúa, ngô ở các vùng khác hoặc các vụ lúa, ngô tiếp theo. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch, bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ xuân 2018 là rất lớn nếu không phòng trừ kịp thời.

 Hạt lúa bị đen, lép do bị bệnh lùn sọc đen gây hại

 

Để phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân 2018, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Tiến hành làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi lúa chét và cỏ dại là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen ở các khu vực đã bị bệnh để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng; những nơi có mật độ rầy lưng trắng cao phải phun trừ trước khi cày vùi, tiêu hủy.

Không gieo trồng những giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng, tăng cường sử dụng các giống kháng, chống chịu hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng.

Thường xuyên theo dõi và bảo vệ diện tích mạ khỏi nguồn bệnh, đặc biệt ở các vùng đã bị bệnh lùn sọc đen bằng cách che phủ nilon để chống rét đồng thời ngăn rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh. Nếu phát hiện cây mạ có triệu chứng bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun trừ rầy; gieo bổ sung mạ nếu thời vụ cho phép.

 Che phủ nilon cho mạ để chống rét và ngăn rầy lưng trắng

xâm nhập truyền bệnh

Trong thời gian từ khi gieo cấy đến giai đoạn lúa làm đòng phải thường xuyên kiểm tra tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus để phun trừ rầy kịp thời bằng loại thuốc nội hấp như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP…để ngăn chặn rầy lây lan nguồn bệnh.

Thực hiện nhổ, vùi tiêu hủy những cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe và chăm sóc bổ sung để cây lúa nhanh chóng phục hồi. Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” hoặc SRI để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.

Giai đoạn lúa trỗ trở đi phun trừ Rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC...khi phun thuốc phải rẽ hàng thành băng rộng khoảng 0,8-1,2m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy ở phần gốc lúa. Chăm sóc lúa mau phục hồi như nêu trên.

Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được). Trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ, nếu hết thời vụ trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép. Tiêu hủy bằng cày vùi phải thực hiện ngay dù không cấy, gieo lại hoặc trồng cây khác. 

Phạm Thị Thu