Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 04/07/2018  )

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội XII tiếp tục khẳng định: phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

 Gặt lúa bằng máy liên hoàn tại xã Quân Bình

Một trong những định hướng lớn của tỉnh Bắc Kạn là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn, nhất là trong điều kiện nền nông nghiệp của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng”.  Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn trở thành sản phẩm hàng hóa, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, đối với tỉnh Bắc Kạn nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là: phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện tái cơ cấu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ để công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Với sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua khó khăn chồng chất như thiên tai, dịch bệnh diễn ra tại các địa phương. Những năm qua, sản lượng nông sản các loại vẫn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh, cụ thể:

Đối với cây dong riềng, trước đây chủ yếu người dân sản xuất theo tập quán, chưa có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm cam quýt, hồng không hạt cũng vậy, trước đây chủ yếu bán cho thương lái theo hàng chợ xuất đi các tỉnh lân cận, sản phẩm không vào được trung tâm thượng mại hoặc siêu thị, đến nay người dân đã liên kết sản xuất để chở thành hàng hóa, sản xuất theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc theo VietGAP để đủ điều kiện cung ứng vào các trung tâm thương mại. Cụ thể sản phẩm cam quýt của cơ sở hợp tác Toàn Thắng tại xã Rã Bản huyện Chợ Đồn được cấp chứng nhận VietGAP diện tích 5,8ha sản lượng gần 60 tấn quả/năm; sản phẩm hồng không hạt của Hợp tác xã Tân Phong với diện tích sản xuất 3,075ha tại xã Quảng Bạch huyện Chợ Đồn được chứng nhận VietGAP, sản lượng gấn 60 tấn quả/năm...

Đối với sản xuất rau, trước đây chủ yếu người dân trồng rau phục vụ gia đình, phần dư thừa mang ra chợ bán chưa thể xuất vào các trung tâm trương mại hoặc các siêu thị ở các tỉnh, thành phố được. Nhưng đến nay, nhiều mô hình trồng rau an toàn đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả như mô hình trồng rau tại xã Sỹ Bình huyện Bạch Thông; xã Cao Trĩ, Địa Linh huyện Ba Bể...Đối với các sản phẩm từ trồng trọt tính đến nay đã có trên 20 hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc nhóm sở thích được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn chứng nhận là cơ sở sản xuất, cung ứng rau, củ quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, như HTX Sang Hà xã Cao Trĩ huyện Ba Bể; HTX Bình Sơn xã Sỹ Bình huyện Bạch Thông; HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn - huyện Chợ Mới..Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 06 cơ sở được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như cơ sở Đồng Thị Vọng - Thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cung ứng Bí xanh thơm, Bí phấn thơm; HTX Sang Hà - Thôn Bản Ngù 1, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể, ...Đây chính là một trong những cơ sở tiêu biểu sản xuất kinh doanh nông sản đủ điều kiện để sản phẩm rau, củ trở thành hàng hóa cung ứng vào các thị trường lớn, ước tính mỗi năm cung ứng hàng chục nghìn tấn rau củ, quả và các nông sản khác ra ngoài tỉnh.

Về phát triển chăn nuôi, những năm trước đây chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình. Đến nay, với định hướng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và khuyến khích phát triển chăn nuôi theo vùng và thế mạnh của từng địa phương. Số gia trại chăn nuôi trâu, bò là 654 gia trại; gia trại chăn nuôi lợn là 75 gia trại; số gia trại chăn nuôi gia cầm là 212 gia trại. Toàn tỉnh có 02 trang trại, 04 HTX và 02 doanh nghiệp về chăn nuôi ... việc liên kết hợp tác phát triển chăn nuôi góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi đưa sản lượng thịt hơi ước đạt trên 21.160 tấn/năm.

Đối với phát triển lâm nghiệp, trước đây chủ yếu người dân trồng rừng là do sự hỗ trợ của nhà nước, chưa quan tâm đầu tư, chăm sóc nên lâm sản thu được phần lớn là gỗ nhỏ nên thu nhập từ trồng rừng trên đơn vị diện tích chưa cao. Đến nay các chủ rừng đã nhận thức rõ hơn về lợi ích thu được từ trồng rừng, quan tâm hơn tới việc đầu tư, chăm sóc, có những nơi đã bón phân cho rừng trồng hoặc tự bỏ vốn ra trồng rừng, giảm việc khai thác rừng gỗ nhỏ...để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả như phát triển kinh tế hợp tác, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012, số lượng HTX, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, đến nay toàn tỉnh có 99 HTX nông nghiệp và 08 trang trại.

Khoa học công nghệ được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được triển khai trê diện rộng như mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI; mô hình cải tạo đất trồng lúa; mô hình thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới; mô hình thâm canh cải tạo diện tích cam quýt, hồng không hạt, cây chè... bị già cỗi, thoái hóa; mô hình chuyển đổi lò sấy thuốc lá từ sử dụng củi đốt sang sử dụng than; mô hình "mỗi xã 01 mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho hiệu quả...Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nên năng suất, chất lượng nông sản ngày một tăng lên.

Sản xuất nông nghiệp cũng được cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản, tính đến nay diện tích làm đất đối với cây lúa, rau màu...được cơ giới hóa trên 90%, diện tích lúa thu hoạch được cơ giới hóa chiếm khoảng 80%, trong đó khoảng 10% sử dụng máy gặt đập liên hoàn; cơ giới hóa trong khâu chăm sóc như đối với phun thuốc BVTV cho lúa và rau màu khoảng 10%, riêng đối với phun thuốc BVTV cho cây ăn quả cam quýt trên 80%; trong chế biến đặc biệt đối với cây chè cơ giới hóa trên 90%; trong lâm nghiệp, hiện tại cơ giới hóa trong khai thác gỗ trên 95%; trong chăn nuôi, tỷ lệ sử dụng máy thái, máy nghiền thức ăn chăn nuôi trên 80%.

Về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 09 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chủ trương, đường lối thực hiện phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm gắn với chế biến và tiêu thụ. Tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện phương châm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành. Thâm canh, cải tạo diện tích chè, cam quýt, hồng không hạt hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng; các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học...

Huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trinh MTQG xây dựng NTM để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng./.

Hồng Thắng