Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Chợ Đồn xây dựng phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân 2018 - 2019

( Cập nhật lúc: 27/11/2018  )

Để chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2018 – 2019, ngày 15/11/2018 Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn ban hành Phương án số 1576/PA-UBND về việc phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2018 - 2019, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như sau:

 Che chắn chuồng trại và dự dữ rơm cho trâu bò

1. Đối với cây trồng:

Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông bằng các biện pháp kỹ thuật như: Bố trí thời vụ hợp lý, chăm sóc, vun xới, tủ gốc, tạo mái che, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt có khả năng chống chịu rét và các thời tiết bất lợi khác, đảm bảo đạt năng suất và chất lượng sản phẩm, cụ thể:

- Đối với rau, màu, thuốc lá: áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm bón cho cây khỏe để tăng cường khả năng chống rét; Những ngày có sương muối áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới rửa sương bằng nước giếng vào buổi sáng sớm, phun thuốc Boóc đô hoặc oxyclorua để phòng bệnh mốc sương cho cây khoai tây;

- Cây lúa xuân: Đối với diện tích gieo mạ phải áp dụng các biện pháp như che phủ nilon, phủ bằng tro rơm rạ để giữ ấm, ẩm cho ruộng mạ, tưới nước thường xuyên không để ruộng mạ khô hạn và không bón phân đạm trong những ngày rét. Không gieo mạ khi nhiệt độ dưới 150C, áp dụng các phương pháp làm mạ nền; tích cực triển khai các biện pháp chống hạn cho cây trồng, tăng cường công tác nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng. Những diện tích đất lúa không đảm bảo nguồn nước tưới kiên quyết chỉ đạo chuyển sang trồng cây khác như ngô, đậu tương...

2. Đối với vật nuôi:

Khuyến cáo, chỉ đạo nhân dân thực hiện che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa bằng mọi hình thức với các nguồn thức ăn tại chỗ và vật liệu sẵn có của địa phương đảm bảo cho vật nuôi không bị chết đói, rét:

- Dự trữ toàn bộ rơm khô sau khi thu hoạch lúa mùa (tối thiểu 500kg/con trâu, bò), tăng cường bảo vệ, chăm sóc diện tích cỏ trồng qua đông; tìm kiếm thêm các loại lá cây rừng, cây chuối để đảm bảo cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Ngoài ra cần bổ xung thêm nguồn thức ăn tinh như (cám, bột ngô, bột sắn...) hoặc cháo loãng ấm, cho trâu, bò cho uống nước ấm pha thêm ít muối để tăng khả năng chống rét;

- Bổ xung khoáng và vitamin để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, để có đủ năng lượng chống rét, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập;

- Không được thả rông trâu, bò trong rừng; thường xuyên chăn dắt và chiều tối đưa trâu, bò về chuồng trại;

- Chuồng trại phải che chắn tránh gió lùa, chống rét bằng các tấm đan tranh tre, hoặc bạt quây quanh chuồng. Nếu không có điều kiện quây toàn bộ chuồng thì quây một góc cho trâu, bò già, bê, nghé để tiện chăm sóc và sưởi ấm, có nguồn nhiệt (bóng điện hay đốt lửa sưởi) đảm bảo nhiệt độ trong quây từ 22-280C;

- Thường xuyên giữ khô nền chuồng, lót ấm (đốt củi, trấu) tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, chú ý nơi đốt sưởi có khoảng cách nhất định để cho vật nuôi đủ ấm và phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi (tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy chuồng nuôi);

- Những ngày mưa rét, nhiệt độ thời tiết xuống dưới 100C không chăn thả gia súc ra ngoài và cho gia súc ăn thức ăn dự trữ tại chuồng;

- Ngoài ra, các địa phương đôn đốc cán bộ thú y chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét, đói;

- Chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định của cơ quan thú y để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

3. Đối với thuỷ sản:

- Điều kiện ao nuôi lưu qua đông phải có độ sâu từ 1,2-1,5 m, chủ động nước, kín gió, nếu ao không đảm bảo độ sâu phải đào chuôm, sau đó tiến hành cải tạo và đưa cá về nuôi chăm sóc. Ngoài việc theo dõi phải cho ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ xung vitamin C vào khẩu phần ăn để các loại cá có đủ sức đề kháng bệnh tật cũng như khả năng chống chịu rét (nhất là cá Rô phi và cá Chim trắng);

- Thả bèo 1/2-1/3 ao về phía bắc để chắn gió, dùng những sọt rơm, rạ tránh rét để cho cá trú đông. Khi thời tiết rét đậm cần làm giàn che kín mặt ao bằng bạt, ni lon hoặc lá cọ để tránh gió lùa, không khí lạnh làm giảm nhiệt độ trong ao nhằm tăng khả năng giữ nhiệt;

+ Cách làm sọt tránh rét: Tạo một góc ao ở phía bắc dùng các sọt đan bằng tre nứa, lấy rơm rạ, dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt cho xuống đáy ao, lúc trời rét cho tôm cá, ếch...chui vào tránh rét.

Trong những ngày ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho cá ăn, lượng cho ăn tuỳ thuộc vào sức ăn mà tăng giảm để cá khoẻ mạnh, có khả năng chống rét./.

Hồng Thắng