Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 07/06/2019  )

Trong những năm qua ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp góp phần hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, trong đó giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được coi là khâu tạo sự đột phá, góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển, an ninh lương thực được đảm bảo, sản xuất đang dần được chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước đầu hình thành và phát triển một số vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông nghiệp đồng nghĩa với việc xây dựng cho nông dân một kiến thức cao về khoa học công nghệ, hiện nay ngày càng được nhiều người dân tại các địa phương quan tâm, hưởng ứng, và được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể:

- Trên 90% diện tích lúa, 100% diện tích ngô đã sử dụng giống mới, trong đó diện tích trồng lúa chất lượng ngày càng tăng đã và có 02 sản phẩm lúa chất lượng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bước đầu có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất theo hợp tác xã.

- Việc ứng dụng kỹ thuật thực hiện thâm canh, tăng năng suất đối với cây dong riềng bằng phương thức trồng dưới các chân đất ruộng không chủ động nước, đất soi, bãi cho năng suất 100 tạ/ha, tăng 30 tạ/ha so với phương pháp trồng truyền thống.

- Đối với cây rau: Trong 2 năm trở lại đây người dân đã thấy được lợi ích từ việc trồng rau thâm canh nên nhiều HTX, tổ hợp tác đã được thành lập, ứng dụng kỹ thuật trồng rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, đưa sản lượng rau năm 2018 tăng 41% so với năm 2015, trong đó 21,36 ha rau được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP với diện tích canh tác 140 ha/năm, có 38 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Cây ăn quả: Hiện nay có gần 200 ha cây cam quýt, 43 ha hồng không hạt vùng quy hoạch đã được người dân thực hiện theo hướng thâm canh, tăng năng suất, trong đó diện tích cây ăn quả được chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 137 ha (73 ha cam quýt, 64 hồng không hạt); diện tích cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP 19 ha (16 ha cam quýt; 3 ha hồng);

- Các địa phương đã thực hiện đầu tư thâm canh, cải tạo, trồng bổ sung hoặc thay thế những diện tích chè già cỗi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tại vùng trồng tập trung, như: Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn, trong đó được chứng nhận đủ điều kiện ATTP 28 ha, được chứng nhận VietGAP 30,7 ha, sản xuất hữu cơ 20 ha và đặc biệt tháng 4/2019 chè Shan Tuyết Bằng Phúc đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và PTNT đã góp phần, đưa tỉnh Bắc Kạn có 4 sản phẩm được chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, 02 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra một số loài cây trồng, vật nuôi cũng đang được nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả trên địa bàn tỉnh như trồng mận chín sớm, cây mơ, nuôi lợn địa phương, trồng cây gỗ lớn,...

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:

-         Số lượng doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

-  Diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh.

-  Thị trường nông nghiệp không ổn định, hiện nay đa số hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp chưa thể đầu tư lớn vào nông nghiệp do chưa tham gia được vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vì vậy những rủi ro về thị trường, phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chửa đủ ràng buộc trách nhiệm.

-  Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế.

Trong giai đoạn hiện nay khoa học công nghệ thế giới phát triển rất mạnh trên mọi lĩnh vực. Để bắt kịp với tốc độ phát triển khoa học, công nghệ hiện nay, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo, trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn cần có nhứng định hướng, giải pháp cụ thể như sau:

Thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn như:

- Thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và trang trại, hợp tác xã; cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà để tháo gỡ, những khó khăn mà tự người nông dân không xử lý được, đặc biệt trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, thị trường đầu vào, áp dụng công nghệ hiện đại và những kỹ thuật canh tác mới.

- Ưu tiên vốn đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, để nâng cao năng lực và thuận lợi hơn trong việc nhận rộng kết quả nghiên cứu.

- Nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật, quản lý, thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề đảm bảo cho nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên.

- Nêu cao vai trò của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản,... gắn với các công nghệ xanh, sạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hoạt động theo cơ chế thị trường và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Các bước xây dựng kế hoạch được tiến hành chặt chẽ từ khâu tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở các hội đồng các cấp.

- Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch khoa học và công nghệ được tiến hành đồng thời với xây dựng và phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh để không ảnh hưởng đến thời vụ một số đối tượng nghiên cứu.

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tích tụ đất đai; cần có cơ chế, chính sách tốt hơn nữa nhằm khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp nhằm phát huy tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Hoàng Hiếu