Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phương án tăng trưởng ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm 2019

( Cập nhật lúc: 08/08/2019  )

Ngày 08/4/2019, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND giao tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2019 đạt 3,8%; tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 đạt 3.542.243 triệu đồng; giá trị gia tăng theo giá so sánh đạt 2.012.703 triệu đồng.

Căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế 6 tháng đầu năm một số chỉ tiêu chưa đạt theo kịch bản tăng trưởng, dự ước kết quả không đạt kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu giảm như: Cây ngô giảm 1,8 tỷ đồng, cây khoai môn giảm 2,9 tỷ đồng, cây dong riềng giảm 33 tỷ đồng, cây thuốc lá giảm 7,2 tỷ đồng; cây mía giảm 2,9 tỷ đồng; cây gừng giảm 29,4 tỷ đồng; cây nghệ giảm 5 tỷ đồng; từ các chỉ tiêu bị giảm, bù lại các chỉ tiêu vượt kế hoạch giá trị lĩnh vực trồng trọt ước đạt 1.952,075 tỷ đồng, giảm 53,747 tỷ so với kế hoạch.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến năm 2019 dự kiến giá trị của đàn lợn giảm trên 119 tỷ đồng, giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 692,256 tỷ đồng. Giá trị  khu vực thủy sản ước đạt 66,724 tỷ đồng, tăng 2,1 tỷ đồng so với kế hoạch. Lĩnh vực lâm nghiệp dự ước giá trị đạt 714,546 tỷ, vượt kế hoạch đề ra 54,174 tỷ đồng.

Để bù đắp tăng trưởng thiếu hụt ngành nông nghiệp xây dựng phương án tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2019, dự kiến giá trị khoảng 108,741 tỷ đồng, tập trung tăng cường đầu tư thâm canh các loại cây trồng để tăng thêm khoảng 35,4 tỷ. Trong đó: Cây rau đầu tư thâm canh tăng vụ trên diện tích canh tác trong vụ hè thu, phấn đấu tăng thêm 2.200 tấn rau để tăng trưởng thêm khoảng 10 tỷ đồng; Cải tạo, đầu tư thâm canh, phấn đấu đưa năng suất cam, quýt trung bình từ 81,4 tạ/ha tăng lên 86,5 tạ/ha, sản lượng tăng thêm ước đạt 1.100 tấn cam quýt để tăng trưởng thêm gần 12 tỷ đồng; Tăng thêm 400 tấn chuối để tăng trưởng thêm 1,4 tỷ đồng, các cây trồng khác đạt kế hoạch đề ra; Phát triển 350 tấn gia cầm để tăng trưởng thêm đạt 17,8 tỷ đồng; Thủy sản phấn đấu sản lượng tăng 50 tấn, giá trị tăng thêm 1,4 tỷ đồng. Các địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về đàn trâu, bò, ngựa, dê theo kế hoạch đã giao. Lâm nghiệp phấn đấu tăng trên 54 tỷ đồng, bao gồm: Tăng sản lượng khai thác gỗ 25.000 m3, giá trị tăng thêm 39,7 tỷ đồng; tăng 3.000 m3 củi giá trị tăng thêm gần 400 triệu đồng; tăng thêm 200 m3 luồng, vàu giá trị tăng thêm gần 2,2 tỷ đồng, sản phẩm thu nhặt từ rừng tăng 10 tỷ đồng, tăng thêm một số sản phẩm như nứa, nguyên liệu giấy, nhựa thông, quế,...

 6 tháng cuối năm ngành chuyên môn sẽ tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện các

biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây cam, quýt, góp phần tăng năng suất và sản lượng đạt kế hoạch

 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5%, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Đối với trồng trọt, tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng một số cây trồng đang là thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, quảng bá, liên kết hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm. Đối với các loại cây đặc sản (cam, quýt, hồng không hạt), tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đảm bảo sản lượng đạt kế hoạch, tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại, hướng dẫn phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh xảy ra.

2. Đối với chăn nuôi, thực hiện tốt các biện pháp để khống chế, ngăn chặn và phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi; tập trung chỉ đạo phát triển đàn vật nuôi đạt kế hoạch giao, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển đàn gia cầm từ nguồn kinh phí hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi; khuyến khích chăn nuôi tập trung tại các gia trại, trang trại; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, như: Bệnh LMLM gia súc, bệnh cúm gia cầm,... tăng cường công tác quản lý con giống, thuốc, thức ăn chăn nuôi, nhất là con giống từ tỉnh ngoài khi đưa về địa phương phải được tiêm phòng bắt buộc đối với một số loại bệnh nguy hiểm (thông qua hồ sơ kiểm dịch vận chuyển động vật), giao Thú y viên cơ sở theo dõi, quản lý và báo cáo theo quy định; tổ chức tái đàn lợn khi đủ điều kiện.

3. Đẩy mạnh công tác trồng rừng đảm bảo về chất lượng, hiệu quả; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục chỉ đạo khai thác gỗ rừng trồng trên diện tích đủ tuổi khai thác. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan Thống kê đánh giá các chỉ tiêu thực hiện năm 2019, rà soát một số chỉ tiêu chưa thống nhất như sản lượng khai thác gỗ, sản lượng cây cam quýt./.


Hoàng Hiếu (tổng hợp)