Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắc Kạn tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

( Cập nhật lúc: 01/08/2019  )

Bắc Kạn với đặc thù là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế để phát triển nông lâm, nghiệp hàng hóa. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra 1 trong 4 chương trình trọng tâm là: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực chỉ đạo việc tổ chức sản xuất nông lâm, nghiệp hàng hóa, tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng diện tích rau, cây ăn quả thay thế cho những cây trồng truyền thống kém hiệu quả. Việc đẩy mạnh chuyển đổi này đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong quá trình chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao được chú trọng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao như vùng trồng rau tại xã Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Quang Thuận, huyện Bạch Thông; xã Nông Thượng, Dương Quang, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn; xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể.  Một số cây trồng đã có thương hiệu như cây dong riềng tại huyện Ba Bể, Na Rì; cây thuốc lá tại huyện Ngân Sơn, huyện Bạch Thông; bí xanh thơm Ba Bể; cây cam, quýt Quang Thuận; hồng không hạt tại huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn; Khẩu nua lếch Ngân Sơn, gạo bao thai Chợ Đồn… Năm 2018 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,18%, nông, lâm nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 17/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số  210/2013/NĐ-CP); Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định mỗi tỉnh ban hành 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, sau khi xin ý kiến các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình UBND tỉnh quyết định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: sản phẩm cây trồng có cây chè; nhóm sản phẩm rau, củ, quả có cam quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối; sản phẩm vật nuôi có trâu, bò, lợn, gà; sản phẩm lâm nghiệp có gỗ và các sản phẩm từ rừng trồng như lát, keo, hồi, mỡ.

 Chè là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Kạn

Tiêu chí chung xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là: Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp; có ý nghĩa làm động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển; Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; Có tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; cung ứng cho thị trường với sản lượng lớn, ổn định, lâu dài; gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh; cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; Có tính độc đáo riêng của địa phương, được cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Kạn. Việc lựa chọn và xác định các sản phẩm chủ lực cho ngành nông nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mà trọng tâm là việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển. Ngoài ra, xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường là những nhiệm vụ được triển khai đồng bộ trong thời gian qua.

Có thể khẳng định, việc xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng và cần thiết, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đó là liên kết sản xuất chưa thật sự bền vững, người nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định; sản phẩm hàng hóa thiếu “đầu ra” bền vững.

Để phát triển các cây trồng chủ lực bảo đảm mục tiêu đề ra, thời gian tới ngành nông nghiệp Bắc Kạn sẽ tập trung thực hiện các giải pháp vận động và khuyến khích nông dân đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực trồng trọt, thực hiện tốt việc khảo sát, dự báo thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phát triển các cây trồng chủ lực theo quy hoạch và quan tâm đến chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh toàn diện và bền vững./.

Hồng Chiêm