Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần duy trì hiệu quả kinh tế từ cây mận chín sớm cho người dân vùng cao.

( Cập nhật lúc: 25/04/2019  )

Cây mận chín sớm được trồng ở Bắc Kạn từ năm 2012 đến nay, những năm qua nhiều diện tích đã cho thu hoạch quả và mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người nông dân.

Theo kế hoạch năm 2019 toàn tỉnh có 400ha cây mận, trong đó 295ha cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.580 tấn quả.

 

 

 Cây mận chín sớm trên các sườn đồi của xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm

Thời điểm đầu tháng 4 hàng năm là bước vào mùa thu hoạch mận chín sớm, các thương lái thu gom sản phẩm mang tiêu thụ tại thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, sản phẩm hiện tại thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Đối với cây mận chín sớm, nếu chăm sóc bón phân đảm bảo theo nhu cầu sinh trưởng của cây, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg mỗi năm cho thu nhập 60 - 80 triệu đồng/ha gấp 4 - 6 lần so với canh tác cây ngô trên đất đồi.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực hiện chăm sóc, bón phân cho cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, mà thường tranh thủ có thời gian rảnh rỗi lúc nào thì bón phân, làm cỏ lúc đó chính vì vậy mặc dù cây mận ra nhiều hoa nhưng tỷ lệ rụng quả cao, năng suất giảm dần qua các năm, nên thực tế diện tích trồng mận lớn nhưng hiệu quả kinh tế vẫn còn đạt mức thấp.

Để sản phẩm mận chín sớm trở thành hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương có diện tích trồng cây mận cần tổ chức lại sản xuất trên diện tích trồng mận hiện có; tuyên truyền, vận động người dân đầu tư, thâm canh; cải tạo những cây già cỗi, thoái hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập và tiêu chí tổ chức lại sản xuất trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ./.

Hồng Thắng