Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hạn chế trong hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 02/10/2017  )

Sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn phần lớn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu hoặc có chỉ dẫn địa lý như cam, quýt Bắc Kạn; hồng không hạt, mơ Bắc Kạn, gạo bao thai Chợ Đồn, gừng, dong riềng, miến dong Bắc Kạn, thuốc lá, mía, chè Shan Bằng Phúc, rau đặc sản các loại…

 Sản phẩm thuốc lá được liên kết tiêu thị sản phẩm

Trong đó diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung hiện tại có diện tích lúa bao Thai và Khẩu nua lếch là 120ha tập trung tại huyện Chợ Đồn và Ngân Sơn; vùng sản xuất rau trên 1.100ha, trong đó diện tích có liên kết tiêu thụ sản phẩm là 80ha; diện tích trồng dong riềng lá 1.000 ha, trong đó diện tích có liên kết tiêu thụ sản phẩm là 850ha, diện tích thuốc lá 1.000 ha, trong đó diện tích có liên kết tiêu thụ sản phẩm lá 980ha; ngoài ra còn một số cây trồng khác được trồng tập trung như cây mía 100ha, chè 200ha, cam quýt 2.600ha và hồng không hạt 870ha...

Tuy nhiên tình hình liên doanh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh còn hạn chế, các sản phẩm nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua tư thương thu gom hàng hóa từ các chợ phiên mang ra thành phố Bắc Kạn hoặc bán ra ngoài tỉnh.

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa đều không ổn định, chủ yếu theo thời vụ, biến động theo nhu cầu của thị trường, liên kết thường không chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thương lái với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên rất khó thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh.

Tính đến tháng 8 năm 2017, chỉ có 1 liên kết tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu thuốc lá của Công ty thuốc lá Thăng long với hợp tác xã Châu Hưng và nông dân của huyện Ngân Sơn. Nhưng thực chất liên kết này cũng không sâu, giá cả đầu vào, đầu ra như giống, vật tư, phân bón và giá thu mua nguyên liệu đều do Công ty quyết định nên tình trạng được mùa giá thấp, mất mùa thì giá nhỉnh lên, người sản xuất vẫn chịu thiệt thòi. Một số liên kết khác của các tổ chức, cá nhân, thương lái đang thực hiện bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân của tỉnh nay lại không thực hiện tiếp nên dẫn đến tình trạng một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ./.

Hồng Thắng