Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản

( Cập nhật lúc: 22/08/2022  )

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Ngày 28/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV về việc đề nghị các địa phương, đơn vị thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, góp phần đảm bảo công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững.

Tại Chỉ thị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bộ đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong đó, chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. 

Địa phương chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hoặc phòng chống dịch Covid-19…

Ngoài ra, các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ. Đặc biệt, chú trọng công tác tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bố trí cán bộ đầu mối và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

 Bà con nông dân thôn Pò Duốc, xã Văn Vũ, huyện Na Rì chăm sóc cây thạch đen (Ảnh tư liệu tháng 5/2022)

Tại tỉnh Bắc Kạn đầu năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 6 mã số vùng trồng cho hơn 19 ha cây thạch đen trên địa bàn xã Văn Vũ, huyện Na Rì. Để đảm bảo việc quản lý mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Chi nhánh - Công ty TNHH Phát triển Nông - Dược Việt Nam là đơn vị đại diện vùng trồng được cấp mã số có trách nhiệm đảm bảo vùng trồng đã được cấp mã số luôn duy trì tình trạng tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt trong quản lý sinh vật gây hại và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn thực hiện giám sát các vùng trồng đã được cấp mã theo quy định.

Các diện tích được cấp mã số vùng trồng sẽ là cơ sở để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị của cây trồng này. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm./.

Hồng Chiêm