Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai Luật thủy sản năm 2017

( Cập nhật lúc: 29/11/2018  )

Ngày 26/11, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn phối hợp với Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017.

Tham dự hội nghị có đại diện: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, các phòng, đơn vị có liên quan trực thuộc Sở; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, một số HTX và hộ dân nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

 Ông Nguyễn Ngọc Cương – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn,

phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017.

Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 21/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật gồm 9 chương 105 điều, giảm 1 chương, tăng 43 điều so với Luật 2003 và cơ bản tên các chương điều không thay đổi, có bổ sung một chương mới là chương kiểm ngư. Luật mới quy định một số nội dung chính như sau:

Luật quy định về giống thủy sản phải thuộc danh mục loài được phép kinh doanh tại Việt Nam, được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định, có chất lượng phù hợp và được kiểm dịch theo quy định của pháp luật, ngoài ra Luật còn quy định chi tiết về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; các quy định về quản lý thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ các quy định về sử dụng đất, đáp ứng được quy định về bảo vệ môi trường, thú y, an toàn thực phẩm, phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè,…

Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi, theo đó, quyền đồng quản lý được quy định rõ quyền ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực sinh sản và thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản; khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống nguồn lợi thủy sản. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt,… để khai thác nguồn lợi thủy sản.

Quan tâm đầu tư các hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ,t ái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sản, lưu giữ giống gốc các loại thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm,….

Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương; được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, chế định về kiểm ngư, nội luật hóa các quy định IUU (liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) từ khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng được hiện thực trong Luật Thủy sản 2017. Trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, 1 tỷ đồng là mức phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm được luật hóa và 2 tỷ đối với tổ chức vi phạm, cao gấp 10 lần so với luật thủy sản năm 2003 là 100 và 200 triệu.

Luật Thủy sản mới năm 2017 khi có hiệu lực (ngày 01/01/2019) sẽ được áp dụng ngay mà không cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Hoàng Thị Hiếu