Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn phòng chống bệnh cúm lợn A/H1N1

( Cập nhật lúc: 05/02/2010  )

- Bệnh cúm lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm A gây ra có thể gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Bệnh thường có những biểu hiện dặc trưng ở đường hô hấp, sổ mũi, chảy nước mũi, khó thở, thân nhiệt tăng cao, chán ăn…Tỷ lệ mắc bệnh cao, có thể đến 100%, nhưng tỷ lệ chết thấp (khoảng 1%). Tuy nhiên điều quan trọng là bệnh có những diễn biến phức tạp. Vi rút cúm A/H1N1 được phát hiện lần đầu tiên ở lợn vào năm 1918 tại Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, chủng vi rút này đã gây bệnh cúm “cổ điển” ở lợn, hiện nay biến chủng mới cúm A/H1N1 đang gây bệnh trên người ở Mêxicô, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Tây ban nha.

- Động vật cảm nhiễm: Lợn là loài vật chủ chính, tuy nhiên cũng có một số tài liệu chứng minh vi rút cúm lợn cũng có thể lây trực tiếp sang người. Ví dụ điển hình là đợt dịch cúm ở người vào những năm 1918 – 1920 đã làm chết hơn 20 triệu ngưòi trên thế giới, đây cũng là giai đoạn xuất hiện cúm trên lợn. Ngoài ra, các động vật có vú và loài cầm cũng có thể nhiễm chủng vi rút cúm A/H1N1.

- Cơ chế lây lan: Vật chủ tự nhiên của vi rút cúm týp A là người, động vật có vú và gia cầm. Vi rút có nhiều trong dịch đường hô hấp của lợn mắc bệnh, từ đây mầm bệnh có thể lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khoẻ mạnh thông qua các dịch tiết, không khí khi lợn bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho. Các vât dụng và người cũng có thể mang mầm bệnh từ chuồng lợn mắc bệnh sang chuồng lợn khoẻ mạnh. Mầm bệnh có thể lưu hành trên bệnh suốt cả năm nhưng thường gây bệnh trong những tháng cuối mùa thu và mùa đông (tương tự như mùa dịch cúm trên người). Sự xuất hiện và lây lan của bệnh thường liên quan đến việc vận chuyển lợn hoặc sản phẩm của lợn chưa qua xử lý thích ứng, đặc biệt là vận chuyển qua biên giới.

- Các triệu chứng:

+ Thời gian nung bệnh thường từ 1 – 3 ngày.

+ Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, làm hầu hết lợn trong đàn bị bệnh trong cùng thời điểm.

+ Lợn mẫn cảm có thể đột ngột phát bệnh với các triệu chứng : ho, sổ mũi, chảy nhiều nước mũi, khó thở, sốt 40,50c – 41,70c, lợn mệt mỏi, bỏ ăn nằm co cụm lại một chỗ, da mẩn đỏ.

+ Nếu lợn bệnh không bị các mầm bệnh kế phát khác tấn công và được chăm sóc tốt thì có thể bình phục sau 5 – 7 ngày. Nếu có mầm bệnh khác kế phát thì làm lợn bị bệnh cúm thường trầm trọng hơn.

- Bệnh tích: Tập trung chủ yếu ở đường hô hấp như viêm phổi với các đốm đỏ (xuất huyết) trên các thuỳ đỉnh, thuỳ tim, khí phế quản chứa đầy dịch nhầy có bọt khí, có thể có hiện tượng phổi bị gan hoá, niêm dịch có bọt khí trong phế quản, hạch phổi thường xưng to, khi cắt phế quản, tiểu phế quản và bóp thấy chảy ra một chất dịch đục, dính màu đỏ hoặc xám, phế quản và phế nag chứa nhiều tương dịch.

- Các biện pháp phòng chống bệnh: Hiện nay một nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan, các nước có dịch đã áp dụng biện pháp: Đóng cửa trường học, không tụ tập đông người, phát miễn phí khẩu trang…Ngoài ra các nước khác cũng đã nâng cao mức cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và chuẩn  bị sẵng sàng đối phó với loại dịch bệnh này.

- Tại Việt Nam cho đến nay chưa phát hiện thấy bệnh cúm ở lợn, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh, để chủ động phòng, chống có hiệu quả không để dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn, lây lan sang người ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, Chi cục thú y hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh như sau:

1. Phòng bệnh ở lợn:

- Kiểm soát nghiêm ngặt động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua chế biến.

- Tăng cường công tác giám soát dịch bệnh, khi phát hiện thấy lợn mắc bệnh khác thường có triệu chứng của bệnh như đã nêu ở trên thì báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để xác minh dịch và lấy mẫu bệnh phẩm gửi  về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.

- Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuấ xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Do vi rút cúm lợn có đặc điểm phát tán, lây lan nhanh qua đường tiếp xúc trực tiếp, do đó khi nghi ngờ lợn mắc bệnh với những triệu chứng, bệnh tích nêu trên cần cách ly ngay những con mắc bệnh để hạn chế lây lan. Đồng thời thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và các khu tiếp giáp xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hoá chất như đã sử dụng trong phòng chống cúm gia cầm.

- Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lí đàn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại Vaccin định kỳ hàng năm.

2. Phòng bệnh lây sang người:

- Người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu huỷ lợn bệnh hoặc khi tiếp xúc với lợn cần sử dụng các thiết bị phòng hộ như: Khẩu trang, găng tay, ủng, quần áo bảo hộ, kính; sau khi tiếp xúc cần vệ sinh tiêu độc, khử trùng, rửa chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng mầm bệnh lây lan sang người.

3. Một số biện pháp của ngành Thú y Bắc Kạn:

- Thành lập đội phản ứng nhanh, trực 24/24h; kể cả ngày nghỉ và ngày lễ tết.

- Đã có công văn số: 135/CV-TY ngày 6/5/2009, chỉ đạo các Trạm thú y thực hiện nghiêm túc công văn số: 1170/UBND-TH1, ngày 30/4/2009 của UBND tỉnh ,V/v: Chủ động phòng ngừa dịch cúm lợn A/H1N1, tổ chức triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Trạm kiểm dịch động vật Chợ Mới, Bình Trung (Chợ Đồn); tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và phun tiêu độc tất cả các xe vận chuyển lợn đi qua địa bàn. Kiên quyết xử lý tất cả các trườg hợp không có giấy tờ chứng minh nguồng gốc giống lợn./.

 

 

KS.Bùi Thị Dậu - Chi Cục Thú y Bắc Kạn.