Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc cây Khoai môn thời kỳ phát triển củ

( Cập nhật lúc: 25/05/2020  )

Khoai môn là cây trồng đặc sản của tỉnh Bắc Kạn mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, năm 2020 toàn tỉnh trồng được 197 ha cây Khoai môn. Hiện nay, cây Khoai môn đang ở giai đoạn hình thành và phát triển củ, đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng củ.

Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV, cây Khoai môn đang bị bệnh cháy lá gây hại nhẹ. Với điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây hiện nay rất thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển, đồng thời cũng thuận lợi cho bệnh cháy lá phát triển và lây lan gây hại. 

 Bệnh cháy lá hại cây Khoai môn

Để cây Khoai môn sinh trưởng và phát triển tốt, phòng trừ bệnh cháy lá kịp thời bà con cần chú ý:

Sau trồng 50-65 ngày (cây được 4-5 lá) tiến hành bón thúc với lượng phân là: 25 kg đạm urê và 20 kg kaly clorua cho 1.000m2. Cách bón: Rắc phân xung quanh hốc rồi vun cao đất vào gốc và lấp kín phân kết hợp với làm sạch cỏ. Khi bón phân cần căn cứ vào độ màu mỡ của đất và tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Sau trồng 5 tháng, làm cỏ kết hợp tỉa bớt nhánh của khóm khoai, mỗi một khóm chỉ nên để 1-2 nhánh. Quá trình tỉa nhánh phải tiến hành liên tục thường xuyên vì tập tính của cây khoai đẻ nhánh nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất củ cái sau này. Trong quá trình tỉa nhánh cần tỉa bớt những lá già úa vàng.

Đối với bệnh cháy lá: Bà con cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh hại kịp thời, dọn sạch cỏ dại, cắt bỏ lá già, lá bị bệnh để gốc thông thoáng, hạn chế bệnh lây lan. Bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Antracol 70WP, Ridomyl Gold 68WP, Score 250EC, Daconil 75WP... với chất bám dính-lưu dẫn (HPC-bám dính) để pha phun trừ. Những diện tích bị bệnh hại nặng cần phun kép 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày.  

Chú ý: Pha đúng theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì của chất bám dính và từng loại thuốc. Phun vào chiều mát không mưa, phun ướt đều cả 2 mặt lá và phải phun chậm từ từ cho ngấm kỹ tránh tình trạng nước thuốc bị rửa trôi./.

Phạm Thu