Skip Ribbon Commands
Skip to main content

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ

( Cập nhật lúc: 15/02/2023  )

I. PHẦN VẬT TƯ 

STT

Nội dung

ĐVT

Lượng

Ghi chú

1

Giống

kg

40

Từ cấp xác nhận trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

2

Vôi bột

kg

500

 

3

Phân hữu cơ vi sinh

kg

1.000

Tiêu chuẩn cơ sở

4

Phân hữu cơ sinh học

kg

2.000

5

Thuốc bảo vệ thực vật

1.000 đồng

600

Thuốc thảo mộc, sinh học

- Định mức trên là định mức tối đa; trong quá trình sản xuất, tùy thuộc vào độ phì nhiêu của đất, đặc điểm tự nhiên, điều kiện canh tác của từng vùng có thể điều chỉnh định mức trên cho phù hợp, nhưng không vượt quá định mức tối đa.

- Có thể sử dụng loại phân hữu cơ khác được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ để thay thế, lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

II. PHẦN TRIỂN KHAI

Nội dung

ĐVT

Định mức

Ghi chú

Thời gian triển khai

tháng

5

Công cán bộ chỉ đạo 5 tháng

Tập huấn kỹ thuật

lần

1

1 ngày cho 1 lần tập huấn

Tham quan, hội thảo, hội nghị

lần

1

1 ngày cho một lần tham quan, hội thảo

Tổng kết

lần

1

1 ngày cho một lần tổng kết

Cán bộ chỉ đạo phụ trách

ha

15

1 người

Đối với những mô hình không đủ diện tích theo định mức, việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chỉ đạo mô hình được tính chế độ công tác phí theo quy định hiện hành.

 III. KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC

 

1. NGUYÊN TẮC CHUNG

1.1. Nếu sản xuất lúa hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) phải đáp ứng các yêu cầu về sản xuất trồng trọt hữu cơ quy định tại TCVN 11041-1:2017  Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ -  Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; TCVN:11041-5:2018. Nông nghiệp hữu cơ - phần 5: Gạo hữu cơ.

1.2. Nếu sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS - Participatory Guarantee System) phải đáp ứng các yêu cầu về sản xuất trồng trọt hữu cơ quy định tại tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam phiên bản thứ 3 được IFOAM công nhận tháng 9/2013.

2. KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ

2.1. Giống lúa

Trong canh tác lúa hữu cơ, nên sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao, các giống đặc sản và các giống địa phương, hạn chế sử dụng giống lai, không sử dụng giống biến đổi gen (GMO).

Tiêu chuẩn giống lúa tuân thủ theo QCVN 01-54:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn kỹ thuật hạt giống lúa.

2.2. Thời vụ: Như sản xuất lúa thông thường (theo khung thời vụ chỉ đạo).

2.3. Kỹ thuật làm mạ: Như sản xuất lúa thông thường. Tuyệt đối không sử dụng các chất hóa học để xử lý hạt giống trong sản xuất hữu cơ. Tốt nhất là xử lí bằng nước nóng 540C (pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh).

2.4. Kỹ thuật cấy và chăm sóc

* Mật độ cấy: 25 - 30 khóm/m2. Cấy 1- 2 dảnh/khóm, cấy nông tay, cấy thưa, thẳng hàng hoặc vuông mắt sàng.

* Bón phân

Phương pháp bón

Thời gian bón

Lượng phân

Bón lót

Trước khi bừa cấy lần cuối

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Bón thúc đẻ nhánh

Sau cấy 15 - 20 ngày đối với vụ xuân

Sau cấy 7 - 10 ngày đối với vụ mùa

Bón đón đòng

Tượng khối sơ khởi: là lúc 10% số dảnh cái có thắt eo đầu lá

 Lưu ý: Rơm và gốc rạ sau thu hoạch cần được giữ lại ruộng và giầm vào đất trong quá trình làm đất hoặc ủ thành phân hữu cơ vi sinh.

* Làm cỏ: Không được sử dụng thuốc trừ cỏ. Thực hiện các biện pháp làm cỏ thủ công; bón phân kết hợp với làm cỏ, sục bùn.

* Điều tiết nước (áp dụng cho vùng chủ động nước tưới, tiêu)

- Thiết kế các rãnh trong và xung quanh ruộng để điều tiết nước dễ dàng.

- Khi bón phân phải giữ nước trong ruộng (2-3 cm).

- Sau bón phân thúc đẻ nhánh 7-10 ngày rút cạn nước, để ruộng khô nẻ chân chim. Trong thời kỳ cây lúa đẻ nhánh nếu lội xuống ruộng mà thấy dấu chân in trên ruộng là ruộng còn đủ ẩm - không cần cho nước vào. Nếu ruộng quá khô thì tháo nước vào ngập rãnh hoặc khoảng 3-4 cm rồi để ruộng tự khô nứt nẻ. Để nước cạn khô xen kẽ cho đến khi bón đón đòng (khối sơ khởi).

- Giai đoạn khối sơ khởi (là lúc 10% số dảnh cái có thắt eo đầu lá): Cho nước vào ruộng kết hợp bón đón đòng và giữ nước thường xuyên 2-3cm đến khi lúa chín đỏ đuôi.

- Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi: Tháo cạn nước để khô cho đến khi gặt.

2.5. Quản lý dịch hại cây lúa

- Đối với sản xuất lúa hữu cơ, cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp chặt chẽ trong từng khâu kỹ thuật, đảm bảo hạn chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại chính.

- Áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp như làm đất ải hoặc làm giầm (cày lật đất rồi để đất ngập trong nước), bố trí thời vụ hợp lý, cấy với mật độ phù hợp, luân canh cây trồng để sinh vật gây hại không hoàn thành vòng đời, duy trì độ phì của đất và cân đối dinh dưỡng, điều tiết mực nước theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa;

- Sử dụng biện pháp vật lý như vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ mầm bệnh và cỏ dại; dùng vợt, bẫy dính, bẫy ánh sáng để bắt côn trùng gây hại;

- Sử dụng biện pháp sinh học: dùng bẫy bả sinh học, nuôi thả và bảo vệ thiên địch, trồng cây dẫn dụ hoặc cây xua đuổi côn trùng gây hại, sử dụng vi sinh vật và chế phẩm sinh học.

- Áp dụng Phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (nguyên tắc chính: cây lúa khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia) hoặc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM (nguyên tắc chính: Cây lúa khỏe, đất khỏe, quản lý nước, quản lý dịch hại tổng hợp, đa dạng sinh học).

Tùy theo tình hình và mức độ gây hại của sâu, bệnh có thể dùng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để phun trừ. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách).

- Cỏ dại: Làm đất kỹ và san bằng mặt ruộng. Thực hiện các biện pháp làm cỏ thủ công, làm cỏ sục bùn sớm để vừa khống chế cỏ dại, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.

- Chuột hại:

Biện pháp canh tác: Gieo cấy đúng lịch thời vụ, tập trung; tiến hành vệ sinh, phát quang bờ bụi, hạn chế nơi ẩn náu, sinh sản của chuột.

Biện pháp thủ công: Sử dụng các loại bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy lồng, … hoặc đào bắt thủ công, …

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch như mèo, rắn, chim cú, … hoặc biện pháp bẫy cây trồng (gieo cấy sớm một diện tích lúa để dẫn dụ chuột đến bắt, tiêu diệt).

- Ốc bươu vàng:

Biện pháp thủ công: Đặt lưới quản lý nguồn nước đầu vào, bắt bằng tay ổ trứng và ốc. Có thể dùng lá cây, xơ mít, … thả xuống ruộng dẫn dụ ốc tập trung để thu gom dễ dàng hơn.

Biện pháp canh tác: Cày bừa kỹ, làm rãnh trên ruộng kết hợp với điều tiết nước để tập trung ốc, thuận tiện cho việc thu gom.

Nếu mật độ ốc cao có thể sử dụng chế phẩm thảo mộc BOURBO 8.3 BR và TICTACK 13.2 BR để rắc.

- Sâu đục thân:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, cày lật gốc rạ, kèm theo ngâm nước (ngâm dầm) sớm để diệt nhộng.

Biện pháp thủ công: Kiểm tra và ngắt bỏ ổ trứng của sâu, dùng bẫy đèn để bắt sâu trưởng thành.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong ký sinh đèn lồng, ong vàng bắt mồi, … có thể trồng các loại hoa có màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để thu hút và làm nơi trú ngụ cho các loài thiên địch.

Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao như Enasin 32 WP, TP-Thần tốc 16.000 IU, BIO-B …

- Sâu cuốn lá:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại. Gieo cấy tập trung, không cấy quá dày.

Biện pháp thủ công: Dùng bẫy đèn để bắt sâu trưởng thành.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong ký sinh đèn lồng, ong vàng bắt mồi, … có thể trồng các loại hoa có màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để thu hút và làm nơi trú ngụ cho các loại thiên địch.

Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao như Vi-BT, Bitadin WP, Aizabin WP, BIO-B…

 - Rầy nâu, rầy lưng trắng:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, sử dụng giống lúa kháng rầy, gieo cấy tập trung, né rầy.

Biện pháp thủ công: Dùng bẫy đèn để dự báo cao điểm phát sinh rầy.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong kiến ký sinh, bọ xít mù xanh, …

Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao như nấm xanh Metarhizium, TASIEU 1.9EC, BIO-B…

- Bệnh đạo ôn:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại để diệt trừ mầm bệnh; sử dụng giống lúa kháng bệnh hoặc ít nhiễm.

Biện pháp sinh học: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ bệnh sinh học như: TP - Zep 18EC, Bionite WP, Ketomium để phun trừ khi bệnh phát sinh, gây hại.

- Bệnh bạc lá:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại để diệt trừ mầm bệnh; chọn giống lúa sạch bệnh, xử lý giống trước khi gieo cấy.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những cơn mưa bão. Khi thấy bệnh xuất hiện, luôn giữ đủ nước trong ruộng, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh sinh học KAMYCIN JAPANE 20SL, DITACIN 8SL ... để phun.

3. THU HOẠCH

Không được sử dụng các chất bảo quản, phụ gia đối với lúa hữu cơ; trong quá trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển không được để thóc sản xuất hữu cơ lẫn với thóc sản xuất thông thường.

4. GHI CHÉP HỖ SƠ

Trong quá trình sản xuất lúa hữu cơ, cá nhân, tổ chức sản xuất cần tuân thủ đúng quy định về việc ghi chép nhật ký, hồ sơ và lưu giữ theo quy định.

5. QUẢN LÝ CHẤT THẢI ĐỒNG RUỘNG

- Tuyệt đối không vứt vỏ bao bì thuốc BVTV, giống, phân bón ngoài đồng ruộng. Phải thu gom và bỏ vào bể chứa để có biện pháp xử lý.

- Sau khi thu hoạch, rơm, rạ nên được giữ lại trên đồng ruộng để làm phân hữu cơ vi sinh. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học như Emuniv, Sumitri, Bioem, EM, ... để ủ phân nhằm đảm bảo quá trình phân hủy tàn dư thực vật được nhanh và triệt để./.

Admin