Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời thâm canh cây kiệu

( Cập nhật lúc: 20/08/2020  )

Nhằm thống nhất trong hướng dẫn sản xuất cây kiệu, đảm bảo đạt mục tiêu về năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Kạn ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời thâm canh cây kiệu như sau:

 Mô hình thâm canh cây kiệu (ảnh minh họa)

I. Kỹ thuật trồng

1. Thời vụ trồng

Vụ sớm trồng từ tháng 7-8 dương lịch; chính vụ trồng từ tháng 11-12 dương lịch.

2. Chuẩn bị giống

- Lượng giống: 1.200-1.400 kg/ha. Chọn các củ kiệu chắc tròn đều, không sâu bệnh, không mọc rễ non.

- Xử lý củ trước khi trồng: Nhằm thúc đẩy mầm, kích thích mầm mọc nhanh, tăng cường sự trao đổi chất trong củ, thúc đẩy sinh trưởng phát triển, hạn chế tác hại của sâu bệnh. Có thể xử lý theo các phương pháp sau:

+ Xử lý giống bằng cách ngâm nước: Dùng nước sạch, thời gian ngâm củ giống từ 1,5-2 giờ, sau đó vớt để cho ráo nước mới đem cấy (trồng).

+ Xử lý củ giống bằng chất hóa học:

Xử lý củ giống bằng dung dịch thuốc Nativo 750 WG nồng độ 1% (3gr/3lít nước) + thuốc trừ vi khuẩn Kasumin 2L (1%) phun ướt đều cho củ giống trước khi trồng.

Hoặc xử lý củ giống bằng cách ngâm vào dung dịch Rovral 50 WP 2%+Kasumin 2 L (1%) trong thời gian 5-10 phút.

3. Làm đất và cách trồng

- Chọn đất: Đất trồng kiệu tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp dễ thoát nước.

Đất phải cày bừa kỹ, lên luống cao 20-30cm, rộng 80-100 cm, rãnh rộng 20-30 cm. Sau khi lên luống, rạch hàng bón phân.

- Khoảng cách: Hàng cách hàng 20-25 cm, cây cách cây 10-12 cm; trồng 1 củ/hốc.

- Cách trồng: Tưới ẩm luống trước khi cắm củ. Cắm củ vừa ngập mặt đất, sau khi cắm củ phủ một lớp đất mỏng và phủ rơm rạ lên trên.

4. Bón phân

Bón lót: Lên luống sau đó rải phân và trộn đều phân với lớp đất mặt.

Bón thúc: Bón từ 3-4 lần tùy theo mùa vụ trồng và yêu cầu thu hoạch sản phẩm.

Lượng phân và cách bón như sau: 

Cách bón

Lượng phân (kg/ha)

Phân chuồng hoai mục

Lân

Đạm Ure

Kali Corua

Vôi

Tổng lượng phân

20.000-25.000

250-300

160-200

190-210

300-500

Bón lót trước khi trồng

20.000-25.000

250-300

-

110

300-500

Thúc lần 1 sau trồng  20-30 ngày

-

-

50-60

20-25

-

Thúc lần 2 sau trồng  40-50 ngày

-

-

50-60

20-25

-

Thúc lần 3 sau trồng  60-70 ngày

-

-

40-50

20-25

-

Thúc lần 4 sau trồng  90-100 ngày

-

-

20-30

20-25

-

 

Lưu ý:

Khi bón phân cần căn cứ vào độ màu mỡ của đất và tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Bón thúc lần 1, dỡ lớp rơm rạ, bón phân bón cho cây và kết hợp xới xáo cho đất tơi xốp, sau đó phủ lại để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Những lần bón thúc sau có thể làm tương tự hoặc hòa phân vào nước rồi tưới đều trên mặt luống và không cần dỡ lớp rơm rạ.

5. Tưới nước

Sau khi trồng và phủ rơm rạ xong, tưới đẫm nước trên mặt luống. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm đến khi cây mọc. Khi cây mọc 3 - 4 lá thật có thể tưới rãnh.

Chú ý: Chỉ giữ đủ ẩm cho đất, không để đất quá ướt sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây và là điều kiện thuận lợi cho bệnh hại phát sinh.

6. Phòng trừ sâu bệnh

- Một số loại sâu, bệnh hại chính: Sâu ăn lá, bệnh sương mai, bệnh thối củ ...

- Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra thường xuyên, phát hiện sâu bệnh sớm để tập trung phòng trừ. Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, cụ thể:

+ Biện pháp canh tác: Cày bừa làm cỏ, bón phân cân đối, hợp lý.

+ Biện pháp sinh học: Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để đảm bảo duy trì thiên địch có ích, cân bằng sinh thái.

+ Biện pháp hoá học: Khi sâu bệnh đến ngưỡng cần phòng trừ, sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo hướng dẫn trên nhãn của nhà sản xuất.

II. Thu hoạch

Tùy mục đích sử dụng có thể thu hoạch sau trồng 4-6 tháng. Trước khi thu hoạch nên tháo nước vào các rãnh cho thấm hết mặt luống làm đất mềm dễ nhổ, rũ sạch đất cát, rồi buộc lại thành túm tránh gây xây xát hoặc làm dập vỏ ngoài và có thể phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy bằng máy.

Nếu chọn làm giống thì củ giống phải có thời gian sinh trưởng ít nhất 160 ngày, củ kiệu chắc tròn đều, không sâu bệnh, khi thu hoạch giũ sạch đất bó thành túm, treo ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Bảo quản củ giống nơi khô ráo, kín gió để làm giống cho vụ sau./.


Chi cục TT&BVTV tỉnh Bắc Kạn

Chi cục TT&BVTV tỉnh Bắc Kạn