Căn cứ Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu phi;
Thực hiện Kế hoạch số 467/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng loạt tiêm vắc xin phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi năm 2024.
Nhằm tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, có kiểm soát và đảm bảo việc tiêm phòng bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) đúng quy trình kỹ thuật, đạt hiệu quả phòng bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hướng dẫn Kỹ thuật tiêm phòng và sử dụng vắc xin và cách xử lý đàn lợn bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin DTLCP, như sau:
1. Kỹ thuật sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận đăng ký của 2 loại vắc xin phòng bệnh DTLCP ( NAVET-AFSVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất; vắc xin AVAC AFS LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được đăng ký và Cấp Giấy Chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Quốc tế đối với vắc xin thú y.
Trên cơ sở Hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin phòng bệnh DTLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo một số nội dung sau:
1.1. Vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco nghiên cứu, sản xuất
- Loại vắc xin: vắc xin sống, nhược độc, đông khô.
- Được tiêm: Dùng gây miễn dịch chủ động phòng bệnh DTLCP cho lợn khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, (lợn cai sữa, lợn thịt và lợn hậu bị). Độ dài miễn dịch: 5 tháng.
- Không được tiêm: Cho lợn nái mang thai, nái đang nuôi con và đực giống. Không tiêm cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính và phát triển không bình thường.
- Liều dùng, cách pha vắc xin:
+ Liều dùng: Tiêm 01 liều vắc xin duy nhất cho mỗi lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên (pha đủ lượng 2ml/con).
+ Cách pha vắc xin: 1 liều vắc xin khi dùng cần được pha với dung dịch pha vắc xin vô trùng đã làm lạnh sao cho đủ 2ml dung dịch để tiêm phòng cho 01 con (2ml/con). Vắc xin đã pha phải sử dụng hết vắc xin trong 4-5 giờ.
Cách tráng lọ để lấy được hết lượng vắc xin trong lọ đựng: Lấy 2 - 3ml dung dịch pha chuyển vào lọ vắc xin và lắc đều cho đến khi tan hết, lấy hết vắc xin đã pha chuyển vào lọ nước pha. Tiếp tục lấy 2-3ml dung dịch pha chuyển vào lọ vắc xin để tráng vắc xin, lấy hết vắc xin vừa được tráng chuyển vào lọ dung dịch pha.
- Đường tiêm, vị trí tiêm: Tiêm bắp sau gốc tai. Lật úp tai lợn về phía trước, tiêm cách gốc tai từ 2-3cm.
1.2. Vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất
- Loại vắc xin: vắc xin sống, nhược độc, đông khô.
- Được tiêm: Dùng để phòng bệnh DTLCP cho lợn thịt khoẻ mạnh từ 4 tuần tổi trở lên. Sau khi tiêm tiêm 1 mũi vắc xin duy nhất 2-4 tuần, lợn bắt đầu được bảo hộ và thời gian bảo hộ kéo dài 5 tháng.
- Không được tiêm: Cho lợn hậu bị, lợn nái và đực giống; không tiêm vắc xin cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính và phát triển không bình thường.
- Liều dùng, cách pha vắc xin:
+ Liều dùng: Tiêm 01 liều vắc xin duy nhất cho mỗi lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên (pha đủ lượng 2ml/con).
+ Cách pha vắc xin:
Pha vắc xin đông khô với dung dịch pha Avac Diluent kèm theo. Không pha vắc xin với dung dịch khác. Quy trình pha vắc xin như sau:
+ Lật nắp nhựa của lọ vắc xin AVAC ASF LIVE và lọ dung dịch pha.
+ Dùng xi lanh hút 2-5ml từ lọ dung dịch pha.
+ Bơm dung dịch pha vào lọ vắc xin đông khô.
+ Lắc đều đến khi tan hết viên vắc xin đông khô.
+ Hút vắc xin đã hòa tan, rồi bơm vào lọ dung dịch pha.
+ Lắc đều lọ vắc xin AVAC ASF LIVE đã pha.
+ Tiêm vắc xin cho lợn.
+ Vắc xin đã pha phải sử dụng ngay trong vòng 2 giờ.
- Đường tiêm, vị trí tiêm: Tiêm bắp sau gốc tai. Lật úp tai lợn về phía trước, tiêm cách gốc tai từ 2-3cm.
1.3. Một số lưu ý khi dùng vắc xin phòng bệnh DTLCP
- Vắc xin DTLCP dùng gây miễn dịch chủ động phòng bệnh DTLCP gây ra cho đàn lợn khoẻ mạnh, không dùng để trị bệnh cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính và phát triển không bình thường; không tiêm cho lợn nái mang thai, nái đang nuôi con và đực giống.
- Để tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể dùng Vitamin C trong vòng 3 ngày trước và 5 ngày sau tiêm vắc xin.
- Không sử dụng quá liều chỉ định. Tùy tình hình dịch tễ của cơ sở chăn nuôi nếu cần thiết có thể tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh DTLCP cho lợn sau tiêm mũi 1 từ 21-28 ngày.
- Thời gian phải sử dụng vắc xin sau khi pha:
+ Vắc xin đã pha do Công ty Cổ phần AVAC sản xuất phải sử dụng ngay trong vòng 2 giờ.
+ Vắc xin đã pha do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất phải sử dụng hết vắc xin trong 4-5 giờ.
- Không dùng lọ vắc xin đã bị rạn nứt, biến màu hoặc hết hạn sử dụng hoặc vắc xin bảo quản không đúng quy định.
- Dụng cụ dùng để pha và tiêm vắc xin phải sạch, vô trùng và không dính các chất tẩy rửa hoặc sát trùng. Định kỳ thay kim tiêm trong quá trình tiêm phòng (căn cứ điều kiện thực tế có thể thay kim tiêm cho mỗi ô chuồng).
- Tùy thuộc vào cá thể , có một tỷ lệ nhỏ lợn sau khi tiêm vắc xin có thể có phản ứng không như mong muốn (quá mẫn). Trong những trường hợp như vậy, chủ cơ sở chăn nuôi phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và đơn vị sản xuất cùng xử lý và can thiệp (khuyến cáo dùng thuốc Adrenaline kết hợp với các thuốc điều trị hỗ trợ khác).
- Để đề phòng tai nạn phải đeo gang tay, khẩu trang, kính bảo hộ khi thao tác trong tiêm phòng.
- Thời gian ngừng sử dụng vắc xin từ 28-30 ngày trước khi giết mổ.
- Không sử dụng 02 loại vắc xin DTLCP trong cùng 01 con lợn hoặc trong 01 cơ sở chăn nuôi, trang trại. (Nhằm tránh sự phát sinh ra bệnh mới khi có sự kết hợp của 02 vi rút trong vắc xin của 02 công ty sản xuất vắc xin khác nhau).
- Bảo quản ở nhiệt độ 2-80C, tránh ánh sáng trực tiếp; có thể bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm từ -150C đến -200C.
- Trong quá trình vận chuyển vắc xin phải giữ trong thùng xốp có đá lạnh hoặc đá khô bảo quản ở nhiệt độ 2-80C, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Vắc xin thừa sau tiêm cần tập chung lại và tiêu hủy bằng nhiệt độ cao hoặc chất khử trùng; các vỏ lọ vắc xin tiêu hủy theo quy định; các dụng cụ tiêm vắc xin phải rửa sạch và tiệt trùng ngay; theo dõi sức khỏe vật nuôi sau tiêm 15-20 phút.
Do tình hình dịch tễ về bệnh DTLCP ở tại địa bàn diễn biến phức tạp nên tiêm phòng vắc xin phải kết hợp chặt chẽ với chăm sóc nuôi dưỡng, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên và không cho người và động vật khác vào khu chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập.
2. Cách xử lý các trường lợn bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin
- Sau khi tiêm phòng vắc xin DTLCP trong vòng 72 giờ kể thời điểm tiêm phòng nếu có lợn bị chết do phản ứng với vắc xin thì đề nghị các cấp có thẩm quyền áp dụng cơ chế hỗ trợ theo Hướng dẫn số 671/HD-SNN ngày 12/8/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn về việc hướng dẫn thủ tục hỗ trợ gia súc chết do phản ứng sau tiêm phòng vắc xin.
- Trong quá trình tiêm phòng vắc xin DTLCP có một số lợn đã được tiêm vắc xin có thể xảy ra một số rủi ro như bị phản ứng sốc phản vệ đối với vắc xin dẫn đến bị chết; một số đàn lợn có thể phát bệnh DTLCP với lý lợn có thể đã nhiễm vi rút DTLCP từ trước (lợn đã mang trùng) nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nên sau khi tiêm phòng, lợn có thể phát bệnh. Những lợn bị chết trong các trường hợp nêu trên tiến hành tiêu hủy bắt buộc và xử ổ dịch theo quy định tại Quyết định 1617/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
Với nội dung trên, đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, triển khai Hướng dẫn trên đến các thôn, tổ và cho các hộ dân đăng ký nhu cầu tiêm phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn theo mẫu đăng ký gửi kèm; lựa chọn các cửa hàng đủ điều kiện bán thuốc thú y trên địa bàn để làm dịch vụ cung ứng vắc xin.
Trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Gửi kèm các văn bản liên quan:
(1) Hướng dẫn số 671/HD-SNN ngày 12/8/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn về việc hướng dẫn thủ tục hỗ trợ gia súc chết do phản ứng sau tiêm phòng vắc xin.
(2) Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu phi.
(3) Quyết định 1617/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
(4) Kế hoạch số 467/KH-SNN ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng loạt tiêm vắc xin phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) năm 2024.
(5) Hướng dẫn sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP Navetco.
(6) Hướng dẫn sử dụng vắc xin AVAC ASF LIVE do CTCP AVAC Việt Nam.
(7) Đăng ký, danh sách tổng hợp tiêm phòng vắc xin DTLCP.
(8) Danh sách một số cửa hàng đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn, tuyên truyền Kỹ thuật tiêm phòng và sử dụng vắc xin và cách xử lý đàn lợn bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu phi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn./.
Tải về tại đây: HUONG DAN 330 CCTY.pdf