Skip Ribbon Commands
Skip to main content

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2022

( Cập nhật lúc: 14/02/2022  )

Nhằm triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hằng năm; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ngày 11/02/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2022, trong đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể như:

Phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới (bình quân 3-4 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt 3 sao trở lên;

Củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường (truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại…). Dự kiến củng cố 10 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất; 06 sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị; 10 sản phẩm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất;

Củng cố, phát triển 4-5 chủ thể OCOP tham gia Đề án giai đoạn 2018-2020 và phấn đấu hỗ trợ 8 chủ thể mới (bình quân 1 chủ thể/huyện, thành phố) có sản phẩm tham gia năm 2022;

Có ít nhất 2 tin, bài, phóng sự/tháng tuyên truyền về Chương trình OCOP trên Báo Bắc Kạn; xây dựng ít nhất 10 phóng sự về Chương trình OCOP trên Đài truyền hình Bắc Kạn và các Đài Truyền hình Trung ương.

Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, chỉ đạo các địa phương về hoàn thiện và phát triển sản phẩm trong năm 2022; củng cố phát triển các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn trước, thường xuyên tổ chức kiểm tra, hỗ trợ  thực hiện Chương trình tại các huyện, thành phố. Phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan bố trí, phân bổ nguồn vốn từ các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cho các địa phương để thực hiện Chương trình OCOP. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức xét chọn sản phẩm và đánh giá xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình.

Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh các Chủ thể OCOP; tổ chức quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố tiến hành lựa chọn, thẩm định điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 1 “Tập huấn nâng cao năng lực bộ máy và chất lượng sản phẩm OCOP” trong Đề án OCOP tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

 Đồng chí Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra sản xuất sản phẩm nấm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, huyện Bạch Thông

(Ảnh tư liệu)

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì triển khai các các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là việc thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình.

Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn khác; thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản.

Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát và phát hiện xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong nông lâm thủy sản của các tổ chức kinh tế sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Chủ trì lồng ghép các hoạt động của ngành với việc thực hiện phát triển các sản phẩm của Chương trình (từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, khuyến nông, chuyển giao công nghệ...).

Lồng ghép nhiệm vụ chuyên môn thực hiện Dự án 2 “Phát triển các sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu trong Đề án OCOP tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025”.

Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá xếp hạng sản phẩm.

UBND các huyện, thành phố: Triển khai Chương trình trên địa bàn cấp huyện, thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình đến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình.

Xây dựng Kế hoạch thực hiện chi tiết năm, giao phân công nhiệm vụ cụ thể nội dung Chương trình cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện.

Xây dựng Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án “ Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. 

Lựa chọn sản phẩm OCOP.

Phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động liên quan đến triển khai Chương trình.

Triển khai các bước trong quá trình thực hiện chu trình của Chương trình theo hướng dẫn của các cơ quan cấp tỉnh, tổ chức đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại địa phương.

Bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực (nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG khác, Dự án CSSP, sự nghiệp kinh tế…) để thực hiện có hiệu quả Đề án.

Tổ chức kiểm tra giám sát các hoạt động thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện hỗ trợ chủ thể duy trì, phát triển sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình OCOP hằng năm. Chủ động tổ chức rà soát đánh giá thực trạng sản xuất sản phẩm OCOP hết hạn giấy chứng nhận tại địa phương, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, và nâng cao chất lượng sản phẩm để hoàn thiện thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp đổi lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể OCOP./.

Hồng Chiêm