Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) - Giải pháp mang lại nhiều lợi ích

( Cập nhật lúc: 06/03/2017  )

Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) là một tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận từ năm 2007 và được giải thưởng Bông lúa vàng năm 2012.

SRI được nông dân đón nhận áp dụng bởi các nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện như: cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1-2 dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

Đến năm 2015 cả nước đã có 35 tỉnh áp dụng SRI, tổng diện tích ứng dụng là 436.377 ha với 1.910.255 hộ nông dân tham gia.

SRI được triển khai và áp dụng tại Bắc Kạn từ vụ xuân 2008, đến nay SRI đã được phổ triển trên toàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, SRI là phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu vào như giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới, trong khi đó năng suất lại tăng từ đó tăng hiệu quả kinh tế so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.

SRI - Tiết kiệm giống hướng tới an ninh giống

Một trong các nguyên tắc của SRI là cấy mạ non, cấy 1-2 dảnh/khóm và cấy thưa.  Kết quả áp dụng SRI ở Bắc Kạn cho thấy người dân có thể tiết kiệm từ 30-50 kg thóc giống/ha/vụ.

Tên giống

Lượng giống gieo cấy (kg/ha)

Lượng giống cấy theo SRI tiết kiệm được (kg/ha)

Tập quán

SRI

Khang dân 18 và các giống lúa thuần khác

50 - 60

20

30 - 40

Bao Thai, Nếp

60 -70

20

40 - 50

Tiết kiệm nguồn lúa giống đầu vào đã giúp người nông dân giải quyết được 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, nông dân chủ động với nguồn giống thuần sẵn có tại hộ gia đình, trong điều kiện gặp thời tiết biến đổi cực đoan như rét kéo dài, khô hạn kéo dài, người dân vẫn có một nguồn lúa giống dự trữ để gieo cấy lại.

Thứ hai, người nông dân sẽ dần quay trở lại sử dụng lúa thuần nhiều hơn lúa lai, điều này giúp cho người nông dân nâng cao quyền về giống của họ và tránh sự phụ thuộc bên ngoài, tránh những rủi ro không mong đợi của các nguồn giống lai chưa ổn định đối với điều kiện cụ thể của địa phương.

Thứ ba, đối với người dân, giống là tư liệu sản xuất nhưng cũng là tài sản và là nguồn lương thực, vì thế chủ động giống chính là tạo được an ninh giống, an ninh giống sẽ dẫn tới an ninh lương thực. 

Theo số liệu năm 2016, tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm của tỉnh Bắc Kạn là 23.900 ha, trong đó diện tích cấy lúa thuần khoảng là 17.500 ha. Ở các mức áp dụng SRI khác nhau thì lượng giống và lượng tiền tiết kiệm khác nhau.

Nếu áp dụng SRI trên 100% diện tích sản xuất lúa thuần của toàn tỉnh, có thể tiết kiệm tới 700 tấn giống với lượng tiền lên tới 14 tỷ đồng. Một con số ấn tượng và có ý nghĩa đối với một tỉnh nghèo như Bắc Kạn. 

SRI - Tăng năng suất hướng tới an ninh lương thực

Kỹ thuật SRI là một chuỗi các biện pháp canh tác liên hoàn, trong đó không chỉ tiết kiệm tối đa lượng thóc giống đầu vào nhờ áp dụng nguyên tắc cấy mạ non, cấy 1 đến 2 dảnh, cấy mật độ thưa, mà còn sử dụng cân đối phân bón giữa phân vi sinh, phân hữu cơ và phân hóa học, giảm hóa chất trừ sâu bệnh, đồng thời điều tiết nước một cách hiệu quả ở những chân ruộng chủ động nước tưới. Cây lúa chỉ có thể đẻ khỏe và cho các dảnh hữu hiệu khi có đủ điều kiện dinh dưỡng, đủ nước ở những giai đoạn cần thiết. Việc giảm sử dụng hóa chất trừ sâu bệnh do áp dụng các biện pháp bảo vệ thiên địch hoặc thủ công cũng góp phần để cây lúa không chỉ cho năng suất, mà còn cho chất lượng của gạo. Các biện pháp này có mối quan hệ hữu cơ không tách rời để cây lúa có thể tiệm cận năng suất lý thuyết của từng giống.

 Có nhiều cách để tăng năng suất lúa, từ việc chọn giống, cải tạo đất hoặc áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp, liên hoàn... Trong đó, kết quả áp dụng kỹ thuật SRI cho thấy SRI không chỉ giúp người dân tiết kiệm nguồn lúa giống mà còn giúp tăng năng suất lúa.

 Tại Bắc Kạn, tùy từng giống, chân ruộng và mức độ áp dụng SRI (áp dụng toàn phần hay từng phần) mà năng suất lúa trung bình tăng từ 10 - 20% tương đương tăng từ 3,2 triệu - 5,8 triệu/ha/vụ.

Nếu 100% diện tích lúa thuần của tỉnh áp dụng SRI: dưới 4 nguyên tắc thì chỉ tính riêng lượng tiền tiết kiệm được từ việc tiết kiệm thóc giống và năng suất tăng thì mỗi năm lượng tiền tăng lên tới 18,2 tỷ đồng; từ 4 đến 5 nguyên tắc là gần 18,6 tỷ đồng – là một con số ấn tượng không chỉ đối với tỉnh Bắc Kạn.

% Diện tích áp dụng SRI của tỉnh

Giá trị lúa giống tiết kiệm

(triệu đ)

Giá trị năng suất tăng (triệu đ)

Hiệu quả kinh tế tăng (triệu đ)

>4 nguyên tắc

4-5 nguyên tắc

>4 nguyên tắc

4-5 nguyên tắc

10%

1.760

57,2

103,0

1.817,2

1.863,0

30%

5.280

171,6

308,9

5.451,6

5.588,9

50%

8.800

286,0

514,8

9.086,0

9.314,8

70%

12.320

400,4

720,7

12.720,4

13.040,7

90%

15.840

514,8

926,6

16.354,8

16.766,6

100%

17.600

572,0

1.029,6

18.172,0

18.629,6

(Năm 2016: Giá thóc giống lúa thuần trung bình 20.000đ/kg; giá thóc thịt trung bình 6.500đ/kg)

Như vậy, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội trên chính nội lực của tỉnh bằng sản xuất nông nghiệp.

SRI - Giảm hóa chất trừ sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý hướng tới môi trường không độc hại

 Hầu hết các hộ nông dân áp dụng SRI đều ghi nhận cây lúa phát triển khỏe, ruộng lúa thông thoáng hơn, cứng cây hơn, sâu bệnh ít hơn đặc biệt là bệnh khô vằn, bọ rầy và sâu cuốn lá nhỏ, do đó chi phí cho việc sử dụng hóa chất trừ sâu bệnh giảm 1-2 lần/vụ, giảm trung bình 30-50% so với làm theo tập quán nông dân. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản xuất mà cây lúa vẫn phát triển tốt và ngăn chặn được dịch hại. 

Kết quả áp dụng SRI thực tế tại các ruộng chủ động nước tưới đều cho thấy có thể giảm tới 30% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống do định kỳ rút nước 2-3 lần/vụ, điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới như hiện nay. Mặt khác, việc rút cạn nước theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa (giảm giữ nước trên đồng ruộng) sẽ làm giảm độ chua, hạn chế đáng kể lượng khí methan thải vào không khí, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tăng khả năng chịu hạn, tăng khả năng chống đổ và tăng sức chống chịu sâu bệnh hại. Ngoài ra do bón tăng lượng phân hữu cơ, cân đối NPK nên đã làm giảm lượng đạm tự do trong đất, cùng với việc giảm sử dụng thuốc BVTV, đã giảm phát thải khí CH4, N2O - là những loại khí gây phát thải khí nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mặc dù hiệu quả của SRI đã được khẳng định, kỹ thuật đơn giản, tuỳ từng điều kiện có thể áp dụng SRI toàn phần hoặc từng phần nhưng đến nay diện tích áp dụng SRI ở Bắc Kạn vẫn còn nhỏ, lẻ, chỉ chiếm khoảng 15% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh (năm 2016, diện tích áp dụng SRI trên toàn tỉnh đạt khoảng 2.500 ha, chủ yếu là ứng dụng từng phần như cấy mạ non từ 2-3 lá, cấy 1-2 dảnh/khóm, cấy thưa 25-30 khóm/m2, bón phân sớm và cân đối; các nguyên tắc như điều tiết nước, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và làm cỏ sục bùn áp dụng chưa nhiều).

Để người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật này thì cần phải làm thay đổi nhận thức của họ, những người đã quá quen với phương thức canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, việc đưa SRI vào sản xuất hiện nay chủ yếu thông qua hệ thống các trạm TT & BVTV nên để mở rộng diện tích ứng dụng SRI và số lượng nông dân tiếp cận với SRI được nhiều hơn cần đào tạo phương pháp tiếp cận, tập huấn SRI cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cơ sở và cần có thêm nhiều mô hình điểm, cánh đồng SRI. Để làm được điều này cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp.


Phạm Thị Thu