Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở NN&PTNT đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021

( Cập nhật lúc: 18/10/2021  )

Ngày 15/10/2021, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, xây dựng kế hoạch năm 2022. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công thương, Cục Thống kê; Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể; Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp; Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi; Công ty TNHH Misaki; Công ty TNHH Nam Huế; lãnh đạo UBND các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện; đại diện HTX Tân Thành, HTX Đại Hà. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp và PTNT đã khắc phụ khó khăn về thiên tai, dịch bệnh triển khai, thực hiện các phương án phát triển sản xuất và đạt được một số kết quả nhất định, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Diện tích trồng cây lương thực có hạt đạt 37.198ha đạt 101% kế hoạch (KH). Dự ước sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 179.504 tấn, đạt 101% KH, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là 173ha, đạt 104% KH. Diện tích trồng cây chất bột (khoai lang, khoai môn, khoai tây, dong riềng) đạt 98% KH. Cây rau, đậu các loại đạt 110% KH, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Công tác trồng rừng tiếp tục đạt kết quả tốt, toàn tỉnh trồng được 5.037ha, đạt 141% kế hoạch. Quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, không để xảy ra điểm nóng phá rừng.

Công tác phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất không đạt kế hoạch đề ra. Tổng đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) hiện có trên 62.000 con, đạt 90% KH, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn gia cầm có trên 1.975.600 con, đạt 112% KH, bằng 99% so với cùng kỳ. Đàn lợn có trên 136.500 con, đạt 91% KH, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, các địa phương đã tổ chức phun 7.583 lít thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục cho trâu, bò, dại chó được 97.417 liều, đạt 77% KH, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2020.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai theo kế hoạch. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án giai đoạn 2021-2025; xét duyệt 82/108 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký đạt tiêu chí tham gia, trong đó 77 sản phẩm tham gia năm 2021 và 5 sản phẩm nâng hạng sao.

Triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Hội nghị thống nhất tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Covid-19, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện tốt Phương án sản xuất vụ đông năm 2021, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc phát triển các loại cây trồng trong năm; việc hỗ trợ trâu, bò bị tiêu hủy do dịch bệnh; thiếu cán bộ chuyên môn về thú y; khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; việc sửa chữa kênh mương thủy lợi, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp cho nông dân...

 Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong những tháng đầu năm 2021, tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt cao so với các ngành khác. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua ngành Nông nghiệp được tỉnh quan tâm chỉ đạo toàn diện và đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy để phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cụ thể đến thời điểm hiện nay tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Do đó việc xây dựng kế hoạch năm 2022 cần xác định mục tiêu, nguồn lực, liên kết các chương trình để thực hiện, đảm bảo linh hoạt phù hợp với từng địa phương. Định hướng chăn nuôi cho người dân theo hướng trang trại, gia trại, tuyên truyền thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi. Đồng thời, nâng cao chất lượng rừng trồng, tiến đến được công nhận các chứng chỉ rừng;  quản lý, thực hiện nghiêm các dự án đầu tư trồng rừng; tăng cường quản lý các công trình thủy lợi sau đầu tư; lựa chọn xây dựng làng nghề và phát triển HTX./.

Hồng Chiêm