Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp

( Cập nhật lúc: 28/07/2022  )

Thời gian qua, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khơi thông để giúp nhiệm vụ này có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn làm thay đổi căn bản, toàn diện trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

 Chuyển đổi số vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, đặc biệt trong việc đồng
hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Ảnh nguồn Iternet)

 

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số nông nghiệp sẽ giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất; doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất như vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng hình thành mối liên kết 4 nhà (cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất), đồng thời kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững.

Mặc khác, chuyển đổi số ngành nông nghiệp góp phần hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất. Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Tại Kế hoạch số 60/KH-SNN ngày 26/7/2022 về chuyển đổi số năm 2022 do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành đã đề ra các mục tiêu cụ thể như 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; 100% hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ thay thế cho các hòm thư điện tử công cộng; 100% tỷ lệ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, phạm vi, lĩnh vực của ngành đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phấn đấu tỷ lệ TTHC (được cung cấp DVCTT) có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 80%; Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 70%; 100% công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia; Số hóa kết quả giải quyết TTHC của Sở còn hiệu lực đạt 100%; Xây dựng phần mềm nội bộ tích hợp chấm điểm và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn; ưu tiên lựa chọn 02 lĩnh vực thuộc chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện.

Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thành công, trước mắt Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp, người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số tại đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số… đưa hàng hóa nông sản của nông dân lên sàn thương mại, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn./.


Hồng Chiêm