Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động ứng phó với mưa lũ, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

( Cập nhật lúc: 09/08/2018  )

Để chủ động ứng phó diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở và diễn biến bất thường của thời tiết tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh và môi trường. Vừa qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành văn bản số 216 /CNTY-QLDB trong đó có đề nghị Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố triển khai một số nội dung sau:

1. Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chủ động thu hoạch đối tượng thủy sản nuôi ở những nơi có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khi sản phẩm đạt kích cỡ thương phẩm.

2. Hướng dẫn cơ sở nuôi các biện pháp phòng, chống khắc phục thiệt hại do mưa, lũ và ổn định môi trường nuôi:

a. Đối với nuôi lồng trên sông và hồ chứa:

- Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao và chủ động di chuyển hệ thống lồng nuôi trên sông và hồ chứa về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi, dòng chảy nhẹ; đối với trường hợp lồng không di chuyển được cần có giải pháp làm tác động của dòng chảy;

- Che chắn lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để tránh thủy sản nuôi thoát ra ngoài;

- Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước; treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi (treo túi vôi cách mặt nước khoảng 1/3-1/2 độ sâu của nước trong lồng, liều lượng 2-4kg vôi/10m3 nước).

- Chuẩn bị thuyền, phao cứu sinh khi cần thiết; bố trí nơi neo đậu lồng đảm bảo tuân thủ theo quy định của địa phương về phòng, chống lụt bão.

b. Đối với nuôi trong ao, hồ, ruộng hoặc khu vực ven sông:

- Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước; phát quang cành cây xung quanh ao và tạo đường cho thoát nước mưa;

- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất như lưới chắn, cọc tre, cuốc xẻng,... để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra;

- Đặt lưới chắn xung quanh bờ ao, ruộng nuôi (lưới cao khoảng 40-50cm, ghim sâu 20-30 cm dưới mặt đất) nhằm hạn chế đối tượng nuôi thất thoát ra ngoài;

- Thường xuyên rải vôi xung quanh bờ ao, ruộng nuôi và sau mỗi đợt mưa lũ để ổn định môi trường, liều lượng 1-3kg/100m2;

- Định kỳ bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm vi sinh vào thức ăn để giúp thủy sản nuôi tăng sức đề kháng;

- Thường xuyên quan sát mức nước, màu nước, tình trạng hoạt động thủy sản nuôi trong ao, ruộng; khi có hiện tượng cá bất thường như bỏ ăn, nổi đầu,… cần có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khi ao nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ lụt cần hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện ngay một số biện pháp kỹ thuật sau:

+ Đối với ao không bị sụt lở, vỡ bờ: Tiến hành xả bớt nước để đảm bảo độ sâu, tăng cường khuấy đảo, hoà trộn nước tầng mặt - tầng đáy và cung cấp thêm ôxy cho đối tượng nuôi.

+ Với những ao, hồ bị vỡ bờ hoặc tràn bờ: Bồi trúc những chỗ bị sụt lở, vỡ bờ, nạo vét mương, ao, sửa chữa chòi canh và các công trình phụ trợ khác. Vệ sinh dọn dẹp các tạp chất, cải tạo và tẩy trùng đáy ao, hồ, mương nuôi cá, cải tạo theo yêu cầu kỹ thuật trước khi cấp nước vào nuôi.

+ Chỉ lấy nước vào ao nuôi khi xác định chắc chắn nguồn nước đã sạch và ổn định; chuẩn bị con giống có chất lượng tốt, đối với những đối tượng nuôi còn trong mùa vụ thì tiếp tục thả nuôi, những đối tượng nuôi mùa vụ còn ngắn có thể thả giống với kích thước lớn hơn để kịp mùa thu hoạch./.

Hồng Thắng