Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Canh tác lúa cải tiến - SRI giúp cây lúa phát triển tốt

( Cập nhật lúc: 30/06/2014  )

Canh tác lúa cải tiến - SRI là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay. Bởi một số biện pháp canh tác truyền thống của bà con nông dân đã làm giảm sức sống tiềm năng của cây lúa. Cụ thể: Nông dân thường gieo mạ dược, nhổ đi cấy khi cây mạ 4- 5 lá thậm chí còn già hơn; thường cấy 5 - 7 rảnh/khóm, thậm chí có khóm còn cấy lên tới hàng chục dảnh. Biện pháp này đã làm cho cây mạ bị đứt rễ, gây chột, lâu hồi xanh, dẫn đến đẻ nhánh kém, số dảnh hữu hiệu thấp và bông nhỏ, hạt ít. 

Mặt khác, bà con nông dân thường bón không cân đối giữa các loại phân so với nhu cầu của cây lúa. Việc bón phân không đúng thời điểm cây cần bón, bón phân muộn, bón lai rai nhiều lần, cây lúa không đẻ tập trung, nhiều dảnh vô hiệu, dẫn đến năng suất thấp. Việc cấy nhiều dảnh, bón phân chưa đúng lúc, đúng cách là nguyên nhân gây bùng phát các loại sâu bệnh hại, làm cho đất canh tác ngày càng xấu, ngộ độc đất ngày càng tăng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.

Canh tác lúa cải tiến - SRI là phương pháp canh tác bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp giúp cho cây lúa phát triển tốt nhất. Hệ thống canh tác lúa cải tiến là thực hiện tổng hợp các biện pháp (nên còn gọi là thâm canh lúa tổng hợp): Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); quản lý dinh dưỡng và quản lý nước.

Thực tiễn cho thấy, cây lúa chỉ khoẻ mạnh và cho năng suất cao khi cây có bộ rễ khoẻ mạnh, phát triển tốt; cây đẻ nhiều nhánh và đẻ tập trung giai đoạn đầu; mỗi khóm lúa có nhiều bông và tỷ lệ hạt chắc trên bông cao. Để đạt được mong muốn trên, bà con nông dân nên áp dụng những nguyên tắc cơ bản của SRI: Cấy mạ non; cấy 01 - 03 dảnh/khóm, cấy thưa; quản lý nước; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ.

 Mô hình thực hiện tại huyện Bạch Thông

Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm nghiên cứu nhỏ trên đồng ruộng tại tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Từ thí nghiệm tuổi mạ khi cấy, mật độ cấy khác nhau, đến liều lượng các loại phân bón trên nhiều loại giống lúa. Kết quả cho thấy các mô hình áp dụng SRI đã tiết kiệm 50 - 70% lượng giống lúa so với cấy theo tập quán; cụ thể SRI chỉ cần gieo 2 - 3 kg thóc giống cho 1.000m2 ruộng cấy, trong khi đó làm theo tập quán phải sử dụng giống trung bình là 5 - 6kg/1.000m2; Giảm lượng nước tưới do tháo cạn nước ở giai đoạn đẻ nhánh. Việc cấy ít dảnh, cấy thưa và bón phân cây đối giúp cây lúa khoẻ, gốc cây lúa thông thoáng, sạch; các loại sâu bệnh như cuốn lá, khô vằn, rầy các loại gây hại giảm so với canh tác theo tập quán, bình quân giảm 1 - 2 lần phun thuốc/vụ. Năng suất tăng bình quân từ 2 - 5 tạ/ha. Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

 Mô hình tại huyện Na Rỳ

Về kỹ thuật SRI khá đơn giản, bà con nông dân rất dễ áp dụng, cụ thể:

1/ Làm mạ: Chỉ cần gieo 2 - 3kg thóc giống cho 1.000m2 ruộng cấy, mạ ngâm ủ bình thường như bà con vẫn làm. Chuẩn bị 8 - 12mđất gieo (1kg thóc giống gieo trên nền khoảng 4m2 đất mạ), đất phải nhuyễn bùn, sạch cỏ, luống rộng 1 - 1,2 m, rãnh rộng 20 - 30 cm, sâu 10 - 25 cm mặt luống phẳng không đọng nước, bón lót cho 100 m2  đất mạ từ 3 - 5kg supe lân khi làm đất.

Vụ mùa nên chọn đất vàn, vàn cao dễ thoát nước; vụ xuân chọn đất vàn, vàn trũng để dễ tưới đủ ẩm và chống rét cho mạ. Cũng có thể làm mạ trên nền đất cứng: Lấy bùn trên ruộng lúa, rải đều trên nền đất cứng hoặc sân gạch dày từ 3 -3,5cm, luống rộng 1 -1,2 m.

Lưu ý khi gieo mạ phải đều tay, hạt giống phải chìm để chống chim, chuột, chống nắng và chống rét.

2/ Làm đất ruộng cấy: Cày bừa kỹ, nhuyễn bùn, sạch cỏ, kéo phẳng, luống rộng 2m, rãnh 25 - 30cm, sâu 10 - 15cm để tiện cho việc rút cạn nước, đi lại chăm sóc, bón phân và thu diệt ốc bươu vàng.

Cách làm rãnh có thể cho một ít đất cát hoặc gạch đá vừa phải vào bao tải, sau khi làm đất kỹ buộc dây vào bao tải kéo theo để định khoảng cách luống sẵn, cách làm này nhanh đỡ tốn công. Nên làm đất trước khi cấy 1 ngày để bùn lắng, mực nước 1 - 2 cm để dễ cấy.

3/ Kỹ thuật cấy: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy thẳng hàng. Tuổi mạ khi cấy từ 2 - 3lá (Vụ mùa chỉ sau gieo 7 - 8 ngày). Mật độ cấy 30  - 35khóm/m; chỉ cấy 1 - 3 dảnh/ khóm.

Lưu ý: Khi cấy hạn chế mạ bị tổn thương bộ rễ, dùng xẻng xúc nhẹ nhàng từng miếng đất mạ, vận chuyển tránh dập nát, xúc đến đâu cấy ngay đến đó không nên để mạ qua đêm, khi cấy dùng tay tách mạ kèm theo đất đặt nhẹ nhàng trên mặt ruộng, không được nhổ mạ đem cấy.

4/ Làm cỏ, sục bùn: Sau khi cấy 6 - 7 ngày phải sục bùn, làm cỏ, kết hợp với bón phân thúc đẻ lần 1. Không nên phun thuốc trừ cỏ vì sẽ làm ảnh hưởng quá trình đẻ các dảnh hữu hiệu trong 15 ngày đầu và rất độc hại với con người, gây ô nhiễm môi trường.

5/ Bón phân: Phải bón cân đối đạm, lân, kali, bón  đúng cách, đúng thời điểm cây cần. Cụ thể:

+ Bón lót: Tận dụng các nguồn phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục lượng từ 800 - 1.000 kg/1.000m2, vôi 40 - 50 kg/1.000m2 bón khi bừa vỡ. Sau bừa cấy lần cuối bón lót 40-50 kg lân/1.000m2.

+ Bón thúc đẻ: Bón rất sớm so với tập quán, sau cấy 7 - 20 ngày đối với vụ xuân và 5 - 7 ngày vụ mùa phải bón thúc lần 1, lượng bón:

 Đạm 8 đến 14kg + 3 đến 6kg kaly cho 1.000m2  ruộng

Bón phân, kết hợp làm cỏ, sục bùn để phá váng, vùi phân xuống sâu. Lưu ý: Nếu đất pha cát nhiều thì chia lượng đạm thành 2 lần bón cách nhau 10 ngày để hạn chế lượng đạm bị rửa trôi.

+ Bón đón đòng: Nên bón đón đòng sớm, khi 10% dảnh cái đầu lá có hiện tượng thắt eo, nên bón lượng đạm từ 3 - 6kg đạm kết hợp với phân Kali từ 5 - 8kg/ 1.000m2 ruộng.

Lưu ý: Bà con nông dân thường có tập quán khi bóc dảnh cái thấy giống cứt gián hoặc đòng to rồi mới bón đón đòng là đã muộn, bông lúa nhỏ, kéo dài thời gian sinh trưởng và làm cho cây lúa dễ bị sâu bệnh giai đoạn này.

6/ Điều tiết nước:

Từ khi cấy đến khi bón thúc đẻ lần 1 phải luôn duy trì có nước láng bề mặt ruộng. Sau khi bón phân thúc đẻ khoảng 5  - 7ngày tiến hành tháo cạn chỉ cần giữ cho ruộng đủ ẩm. Khi cây lúa phân hoá đòng đến khi chín sáp nên giữ mực nước trên ruộng khoảng 3 - 4cm. Trước khi thu hoạch 15 ngày lại tháo cạn nước để tiện thu hoạch.

 7/ Phòng trừ sâu bệnh: Sâu bệnh chỉ gây hại khi có các điều kiện, yếu tố sinh thái thích hợp. Việc điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật canh tác nêu trên theo hướng có lợi cho cây lúa nhưng bất lợi cho sâu bệnh hại, sẽ hạn chế sâu bệnh.

- Do vậy, chỉ phun thuốc trừ sâu khi mật độ sâu cao đến mức có khả năng gây tổn hại đến năng suất lúa:

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Giai đoạn đẻ nhánh: > 50 con/ m2

                               Giai đoạn đòng - trỗ: > 20 con/m2

+ Sâu đục thân: > 0,3 ổ trứng/ m2

- Đối với bệnh hại:

+ Bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn cần phòng bệnh là chính; khi điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát triển nhất thiết phải dùng các loại thuốc có hiệu lực cao để phòng trừ khi lúa chớm bị bệnh.

+ Đối với các bệnh khô vằn, nếu có trên 10% số dảnh bị bệnh ở giai đoạn đòng thì tiến hành phun thuốc.

Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI là kỹ thuật mở, mong rằng bà con nông dân sẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm và lựa chọn những nguyên tắc phù hợp với điều kiện thực tế để áp dụng trên đồng ruộng của mình./.

Hồng Thắng