Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại huyện Pác Nặm

( Cập nhật lúc: 18/02/2014  )

Vụ mùa 2013, Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Pác Nặm phối hợp với UBND xã Công Bằng triển khai mô hình SRI (Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến) tại thôn Pác Cáp  xã Công Bằng, huyện Pác Nặm.

Tham quan mô hình thử nghiệm

Căn cứ vào điều kiện đất đai của từng thôn, 05 hộ dân có nhu cầu tự nguyện tham gia mô hình với tổng diện tích 0,5 ha và sử dụng giống lúa Bao Thai để thực hành gieo cấy và chăm sóc.

Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 50% lượng phân bón hoá học, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, bón phân và điều tiết lượng nước tưới.

Kết quả mô hình, đối với ruộng SRI cấy mạ non, cấy ít dảnh cây lúa có khả năng đẻ nhánh cao, thời gian trỗ chỉ 4 - 5 ngày và trỗ đều; sâu bệnh hại ít về cả mật độ và tỷ lệ bệnh so với gieo cấy theo phương pháp truyền thống. Về năng suất, trung bình số bông/khóm đạt trên 9,4 bông, tỷ lệ hạt chắc/bông đạt khoảng 70%, năng suất thực thu đạt 55,6 tạ/ha.

Từ kết quả của mô hình tại huyện Pác Nặm và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là hệ thống thâm canh cải tiến, với kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, cấy một đến ba dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, giảm sâu bệnh đồng thời giảm chi phí về giống từ 60 - 80% (đối với các giống lúa thuần), phân bón, thuốc BVTV, công lao động, giảm được 30% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống do định kỳ rút nước 2-3 lần/vụ, điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới như hiện nay. Mặt khác, việc rút cạn nước theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa (giảm giữ nước trên đồng ruộng) sẽ làm giảm độ chua, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tăng khả năng chịu hạn, khả năng chống đổ và sức chống chịu sâu bệnh hại. Đặc biệt, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến áp dụng được với tất cả các giống lúa, áp dụng được ở cả 2 vụ và trên tất cả các chân ruộng.

Mô hình canh tác lúa cải tiến đã đem lại năng suất cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống mở ra triển vọng mới cho bà con nhân dân trong việc lựa phương thức thâm canh phù hợp./.

Hồng Thắng