Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình thâm canh lúa thuần bằng công cụ sạ hàng - bước canh tác mới cho người nông dân Ba Bể

( Cập nhật lúc: 28/03/2012  )

Trong thời gian qua, huyện Ba Bể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế. Thâm canh lúa bằng công cụ sạ hàng là mô hình điển hình cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gieo lúa bằng công cụ sạ hàng với mục đích áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ làm cho công cụ sạ thẳng hàng, thâm canh hợp lý, người dân chủ động trong công tác giống và giảm một số công đoạn (làm mạ, cấy, sục bùn…), tạo ra bước đột phá về năng suất lúa trên một đơn vị diện tích canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2011, huyện Ba Bể bắt đầu thực hiện mô hình thâm canh giống lúa thuần sạ hàng tại xã Hà Hiệu (giống khang dân 18 nguyên chủng) với 33 hộ tham gia tại 03 thôn (Bản Mới, Nà Vài, Thôm Lạnh) trên 5,2ha.  

 

   Lúa sạ hàng vụ xuân năm 2012 đang ở giai đoạn mọc lá (huyện Ba Bể)

Người dân tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật (ngâm ủ hạt giống, kỹ thuật sạ, cách bón phân…) và hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón theo quy trình kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có các loại thuốc trừ cỏ đặc hiệu và mỗi xã thực hiện mô hình sạ hàng được hỗ trợ 2 công cụ sạ hàng giao cho nhóm hộ nông dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cán bộ khuyến nông của huyện thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh, quản lý dịch hại qua các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, đồng thời chủ động kết hợp với địa phương tích cực triển khai, hướng dẫn bà con nông dân khắc phục một số khó khăn về thời tiết, kiểm tra các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và giám sát quá trình thực hiện mô hình nhằm đảm bảo sự sinh trưởng phát triển của cây lúa sạ đúng kế hoạch.

Kết quả cho thấy, cây lúa thuộc mô hình sạ bằng công cụ sạ hàng phát triển nhanh hơn so với lúa cấy (vì sạ không qua giai đoạn hồi xanh, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa); chiều cao cây từ 95 - 150cm; chiều dài bông trung bình là 25cm; số bông trung bình 220bông/m2; 163 hạt chắc/bông; trọng lượng 1.000 hạt 21g; tổng thời gian sinh trưởng là 130 ngày. Thôn Bản Mới đạt 5kg/5m2; thôn Nà Vài đạt 4,2kg/5m2; thôn Thôm Lạnh đạt 3,6kg/5m2; năng suất trung bình 65tạ/ha. Trừ tất cả chi phí, theo giá thành 7.000 đồng như hiện nay, bà con nông dân sẽ thực thu 38.811.400 đồng/ha.

Với 5,2ha, bà con sạ xong trong 2 - 3 ngày và lượng giống chỉ hết 4kg/1000m2 (lượng giống theo quy trình là 6kg/1000m2). Ngoài ra còn giảm được công làm mạ, công cấy, công cỏ sục bùn, tiết kiệm nước, tận dụng được thời gian luân canh tăng vụ và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Bà con thực hiện mô hình cho biết: Sạ hàng tốn ít công, công sạ nhanh, trung bình từ 40 đến 60 phút trên 1000m2 (cấy lúa xuân 1ha phải mất ít nhất trên 50 công lao động). Cây lúa đẻ nhanh và khỏe, một hạt thóc giống có thể cho 6 - 8  bông, không có bông kẹ, tốn ít công, không mất công làm mạ, công cấy và cho năng suất cao hơn lúa cấy.

Có thể nói, mô hình sạ hàng thành công đã tạo ra một bước canh tác mới cho người nông dân Ba Bể, là giải pháp thích hợp trong công nghiệp hóa sản xuất lúa, bước đầu chuyển giao áp dụng các biện pháp kỹ thuật và làm thay đổi phương thức sản xuất lúa truyền thống của các hộ thực hiện mô hình (làm mạ, cấy nhiều dảnh trên khóm…), góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức thu nhập cho người dân.

Năm 2012, 90% người dân tham gia mô hình tiếp tục thực hiện. Huyện mở rộng lên 15ha (9ha xã Hà Hiệu và 6ha xã Chu Hương), sử dụng giống Khang dân và QR1. Người dân tham gia mô hình được tiếp tục được hỗ trợ 100% về công cụ sạ hàng, thuốc trừ cỏ và tập huấn.

Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tiến độ sản xuất vụ xuân tại huyện Ba Bể cho thấy, diện tích lúa gieo sạ tại xã Hà Hiệu hiện nay cây sinh trưởng bình thường và đang ở giai đoạn mọc lá./.

Ngọc Lan