Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bắc Kạn, mùa khô năm 2017 - 2018

( Cập nhật lúc: 16/11/2017  )

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về công tác PCCCR và những tác hại do cháy rừng gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch PCCCR với một số nhiệm vụ trọng tâm chính, nội dung cụ thể như sau:

Về việc tổ chức xây dựng lực lượng, kế hoạch, phương án PCCCR

Rà soát củng cố, kiện toàn lại 09 Ban chỉ đạo (01 Ban cấp tỉnh, 08 Ban cấp huyện); 129 Ban chỉ huy cấp xã và các chủ rừng có diện tích rừng lớn; các tổ PCCCR tại chỗ ở các thôn/bản và các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Các Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban chỉ hủy cấp xã xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR phù hợp với đặc điểm, tình hình, khả năng và nguồn lực của từng địa phương để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác PCCCR.

Cơ quan Kiểm lâm phân công, bố trí lực lượng trực PCCCR đảm bảo 24/24 giờ trong 6 tháng mùa khô (từ 01/11/2017 đến hết ngày 30/4/2018) để tiếp nhận, xử lý  thông tin về diễn biến thời tiết và tình hình cháy rừng. Thông báo và huy động lực lượng, phương tiện kịp thời nhằm kiểm soát, dập tắt ngay khi có cháy rừng xảy ra. Khi kết thúc thời gian mùa khô, vẫn tiếp tục duy trì lực lượng trực PCCCR trong những ngày có nắng nóng kéo dài.

Tổ chức ký hợp đồng PCCCR đối với 68 xã thuộc vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

- Lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức họp xã, thôn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Nhà nước về PCCCR tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh biết và thực hiện, đặc biệt là các địa bàn thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

- Thực hiện sửa chữa các biển tuyên truyền, biển cấp dự báo cháy rừng bị hỏng nhằm phát huy tốt việc tuyên truyền, cảnh báo kịp thời về cấp độ cảnh báo cháy rừng.

- Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xây dựng các chuyên mục, tin bài thường xuyên đưa tin về cảnh báo về nguy cơ cháy rừng,  các tổ chức, cá nhân điển hình có thành tích làm tốt công tác PCCCR.

Thực hiện các biện pháp lâm sinh PCCCR

- Đối với các khu rừng có diện tích lớn, tập trung, đặc biệt là khu rừng trồng thuần loài, các chủ rừng phải tiến hành làm đường băng cản lửa.

- Lực lượng Kiểm lâm tiến hành hướng dẫn nhân dân, các chủ rừng thực hiện tốt công tác trồng và chăm sóc rừng trồng, tỉa thưa rừng, vệ sinh rừng sau khai thác để giảm vật liệu dễ cháy.

- Các chủ rừng trước khi đốt xử lý thực bì trồng rừng phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm gần nhất biêt để chủ động trong công tác PCCCR. Việc thực hiện đốt xử lý thực bì phải bố trí người canh gác, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới được ra về, tuyệt đối không để cháy lan vào rừng.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra PCCCR

- Các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh thường xuyên theo dõi, có kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR đối với địa bàn cấp huyện, xã để kịp thời chỉ đạo, khắc phục những vấn đề còn hạn chế tồn tại.

- Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác PCCCR với phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”; chuẩn bị tốt về các trang thiết bị, phương tiện hiện có phục vụ trong công tác PCCCR; tổ chức lực lượng thường trực 24/24h trong các tháng mùa khô.

- Ban chỉ đạo cấp huyện thường xuyên, đột xuất tổ chức kiểm tra Ban chỉ huy cấp xã, các tổ PCCCR tại chỗ của các thôn/bản và các chủ rừng. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các chủ rừng không chấp hành đúng các quy định về PCCCR.

Công tác phối hợp

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT duy trì công tác phối hợp theo Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định về phối hợp của Dân quân tự vệ với lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng (Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015) và các quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh.

- UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp giữa các lực lượng Quân sự - Công an - Kiểm lâm theo các các nội dung được quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định về phối hợp của Dân quân tự vệ với lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

- Các lực lượng Quân sự - Công an - Kiểm lâm các cấp chủ động trong công tác tham mưu đối với chính quyền địa phương các cấp, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Phân công thực hiện nhiệm vụ

Ban chỉ đạo cấp tỉnh, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra định kỳ, đột xuất các địa phương, các cơ quan quản lý về lâm nghiệp và các chủ rừng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh; cập nhật và thông tin kịp thời về cấp dự báo cháy rừng cho các địa phương và chủ rừng biết để sẵn sàng có phương án chữa cháy rừng kịp thời; huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng lớn trên diện rộng vượt quá tầm kiểm soát của cơ sở. Chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

Ban chỉ đạo cấp huyện, thực hiện theo quy định của pháp luật về PCCCR, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh để xây dựng Kế hoạch, Phương án PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các xã và các chủ rừng xây dựng, thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR. Kiên quyết kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu theo quy định nếu để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng mà không biết, không tổ chức lực lượng chữa cháy hoặc không báo cáo kịp thời và các chủ rừng không chấp hành đúng các quy định về PCCCR; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh và ngành về công tác quản ly, bảo vệ và phát triển rừng cho mọi người dân trên địa bàn biết để thực hiện; huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để cứu chữa kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Nếu đám cháy lớn trên diện rộng, vượt tầm kiểm soát của địa phương thì báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra; chỉ đạo các lực lượng tiến hành điều tra, xác minh các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định.

Ban chỉ huy cấp xã, thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức xây dựng Kế hoạch, Phương án PCCCR của địa phương theo quy định. Phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách đến từng địa bàn thôn/bản cụ thể; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác PCCCR tại địa phương; xử lý các hành vi vi phạm quy định về công tác PCCCR theo thẩm quyền; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác QLBVR, hướng dẫn kiến thức cơ bản về PCCCR cho các tầng lớp nhân dân; xây dựng phong trào quần chúng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; thành lập các tổ PCCCR tại các thôn/bản; huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để cứu chữa kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Nếu đám cháy trên diện rộng vượt tầm kiểm soát của địa phương thì báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy; chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng tiến hành điều tra, xác minh các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định; giải quyết, đề xuất, kiến nghị kịp thời các chế độ cho những người tự nguyện hoặc được huy động tham gia chữa cháy theo đúng quy định hiện hành; giải quyết và khắc phục hậu quả vụ cháy gây ra trong thời gian sớm nhất.

 

Thời gian thực hiện

Thời gian trực PCCCR: 6 tháng mùa khô, bắt đầu từ ngày 01/11/2017 đến hết ngày 30/4/2018. Vào các thời điểm không thuộc 06 tháng mùa khô nhưng thời tiết có nhiều ngày liên tục không mưa, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm thấp, cấp độ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V thì yêu cầu các lực lượng từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã phải duy trì trực chỉ huy PCCCR và tổ chức lực lượng kiểm tra nhằm sớm phát hiện các điểm cháy, huy động lực lượng tổ chức chữa cháy kịp thời.

Khen thưởng, kỷ luật

Trong quá trình tổ chức thực hiện, những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR sẽ được xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định. Những tổ chức, cá nhân nào mà thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có biểu hiện tiêu cực để xảy ra cháy rừng, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Hồng Thắng