Bắc Kạn là tỉnh miền núi có tổng diện tích đất tự nhiên là 485.941 ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 388.049 ha. Hiện tại diện tích đất có rừng là 369.989 ha, độ che phủ rừng hiện nay 70,8%.
Các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả, bước đầu hình thành các khu rừng trồng tập trung và một số vùng nguyên liệu; cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng; hệ thống tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh bước đầu được sắp xếp củng cố. Công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng có nhiều chuyển biến tích cực.
Những kết quả đạt được đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 57,7% năm 2010 lên 70,8% năm 2014; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo vệ nguồn nước; góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, ngành đã thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, đặc biệt là Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tổ chức, chỉ đạo việc theo dõi cập nhật diễn biến rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương; chỉ đạo tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng, huy động và phối hợp các lực lượng để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật...
Kết quả công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2010-2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng Kiểm lâm từ tỉnh đến xã cơ bản đã tham mưu kịp thời cho Cấp ủy chính quyền địa phương các cấp về các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; cán bộ Kiểm lâm đã bám địa bàn xã được phân công thực hiện quản lý rừng “tận gốc“. Các vụ khai thác rừng trái phép, đặc biệt là đối với gỗ quý hiếm phần lớn đã được Kiểm lâm phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tình trạng khai thác lâm sản, đặc biệt là khoáng sản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn ra hơn 10 năm qua, đến nay về cơ bản đã được ngăn chặn;
Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng đã giảm đáng kể. Các hoạt động về khai thác sử dụng rừng đã được lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang từng bước đi vào ổn định, trong năm không để xẩy ra các vụ khai thác rừng, cháy rừng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Về công tác phát triển rừng, thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ của nhà nước, cùng với việc mạnh dạn đầu tư vồn, cây giống, công lao động để trồng trừng, chăm sóc, bảo vệ rừng được giao của các tổ chức, hộ gia đình diện tích rừng trồng ngày càng tăng, chất lượng rừng trồng ngày càng được cải thiện; khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản. Từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; tăng cường công tác quản lý giống, củng cố và nâng cấp các cơ sở sản xuất gieo ươm giống cây trồng, đảm bảo cung cấp nguồn giống trồng rừng chất lượng cao.
Kết quả trong công tác phát triển rừng, diện tích trồng rừng từ năm 2011 - 2014 là 47.800ha, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm. Dự kiến năm 2015 trồng rừng đạt 8.000ha.
Công tác khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chương trình giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Kết quả năm 2013 đã thực hiện giao khoán được 19.768ha/25.136ha tại hai Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó riêng hai Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là 12.768ha, với 86 Tổ bảo vệ rừng của 40 thôn bản/11 xã thuộc 3 huyện Bạch Thông, Na Rì và Chợ Đồn.
|
Kiểm lâm huyện Na Rì kiểm tra diện tích rừng trồng |
Để hoạt động giao khoán bảo vệ rừng thật sự mang lại hiệu quả, ngành đã chỉ đạo 02 Khu bảo tồn thường xuyên giám sát chặt chẽ đối với các tổ, nhóm nhận khoán bảo vệ rừng, cán bộ Kiểm lâm thường xuyên tham gia đi tuần tra, kiểm tra rừng với tổ nhận khoán và hàng tháng Khu bảo tồn phải báo cáo kết quả khoán bảo vệ rừng về Chi cục Kiểm lâm để theo dõi chỉ đạo.
Năm 2014, diện tích giao khoán 107.607ha; diện tích thực hiện là 89.718ha, trong đó: Diện tích chuyển tiếp của năm 2013 là 17.715ha; diện tích giao mới năm 2014 là 72.003ha. Ngoài ra, các Ban quản lý rừng đặc dụng còn bổ sung thêm vào kế hoạch tự bảo vệ với diện tích là 11.249ha.
Công tác giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển. Việc thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trong thời gian qua không chỉ đã hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán mà còn góp phần nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng.
Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học được ngành quan tâm và chỉ đạo thực hiện, ngành đã chủ động xây dựng và tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020. Cùng với đó đang tiến hành thực hiện xây dựng phương án chuyển đổi diện tích mở rộng hai Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc sang chức năng rừng đặc dụng theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển rừng; phát động phong trào trồng cây, trồng rừng, xây dựng các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp, gắn với các chương trình ổn định tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại nông thôn; nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng.
Những thay đổi, chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện hơn so với các năm trước. Lực lượng Kiểm lâm từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Việc tăng cường cán bộ xuống cơ sở và thường xuyên bám sát, nắm vững địa bàn được phân công, phụ trách đã phát huy hiệu quả với phương châm quản lý rừng “tận gốc”. Hầu hết các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhất là là đối với gỗ quý hiếm đã được lực lượng Kiểm lâm phát hiện và kịp thời ngăn chặn không để bùng phát thành điểm nóng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng, bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt đã ngăn chặn gần như triệt để tình trạng khai thác gỗ quí hiếm dưới dạng thớt ở các khu rừng đặc dụng, không để các điểm nóng trước đây tái bùng phát trở lại.
Các hoạt động về khai thác, sử dụng rừng đã được lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện theo quy định đã giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh đang dần từng bước đi vào ổn định. Qua đó, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành, lực lượng có liên quan
Ý thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương xã, chủ rừng và người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đã được nâng lên, nên đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành đã có tác dụng tích cực trong quản lý các hoạt động về mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản, đặc biệt là đối với các loại lâm sản ngoài gỗ.