Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ba Bể sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

( Cập nhật lúc: 30/05/2014  )

Bằng những cách làm hay, sáng tạo và huy động được sức mạnh từ nhân dân, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể đã có những đổi thay tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Ba Bể là một trong những huyện nghèo của tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, địa hình chia cắt, giao thông không thuận tiện. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, với trên 49.000 dân, trong đó trên 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông - lâm nghiệp, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện Ba Bể đã từng bước được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều đổi thay.

Là xã điểm của huyện về xây dựng nông thôn mới, ngay trong những ngày đầu triển khai chương trình, cấp ủy, chính quyền xã Hà Hiệu đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong công cuộc xây dựng địa phương đạt các tiêu chí về nông thôn mới. Với đặc điểm là một xã thuần nông, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hà Hiệu đã lựa chọn chiến lược đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là trọng tâm, đồng thời từng bước nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thủy lợi… nhằm phục vụ sản xuất, giúp người dân giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống.

Trong 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình và nguồn vốn huy động được, kết hợp với các chương trình, dự án 134, 135, các chương trình giảm nghèo, kiên cố hóa trường, lớp học, nước sạch, điện lưới..., xã đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội địa phương; đồng thời tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế như mở được các tổ hợp tác xã chăn nuôi lợn nái, đầu tư xây dựng lò ấp trứng và hỗ trợ cho người dân thực hiện mô hình nuôi gia cầm, thủy cầm, phát triển mới cây mận sớm…

 Nhiều tuyến đường liên thôn được hoàn thành từ

phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Đến nay, trên 85% hộ dân trên địa bàn xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, khoảng 20% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa, trên 90% phòng học được xây dựng kiên cố, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 20% và xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Ông Lê Ngọc Lợi - Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã lồng ghép các nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân như thay đổi tư duy sản xuất, hiến gần 1ha đất các loại, góp gần 1.000 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân và diện mạo xã đã thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng năm 2011 đã tăng lên 14 triệu đồng năm 2013. Hiện nay, xã đã hoàn thành 7/19 tiêu chí và được phê duyệt đề án chi tiết xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, cuối năm 2014 sẽ đạt thêm 2 tiêu chí, sang năm 2015 đạt 2 tiêu chí và 8 tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Còn với xã Mỹ Phương, sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã cơ bản hoàn thiện được các hạng mục công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, y tế, giáo dục, văn hoá… từ xã đến thôn, cho thấy hình hài của một mô hình nông thôn mới đã và đang dần được hoàn thiện.

Ông Sằm Văn Kinh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Trong quá trình thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, xã đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Với tinh thần tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, hiện nay, 100% các thôn trên địa bàn xã đã có đường giao thông đến trung tâm thôn. Các công trình thủy lợi trước kia chỉ là phai, đập tạm nay đã cơ bản được thay thế bằng hệ thống kênh mương kiên cố, đảm bảo công tác phát triển sản xuất, nước tưới cây trồng và thâm canh tăng vụ cho bà con nông dân. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng đổi thay tích cực, làng xóm khang trang, nhà tầng, nhà xây, nhà kiên cố được xây dựng nhiều, thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm, đời sống bà con được cải thiện rõ nét. Không những vậy, nhận thức của người dân được nâng lên ở nhiều lĩnh vực cuộc sống như công tác phòng chống dịch bệnh được nhân dân thực hiện tốt, trong lĩnh vực đào tạo, cả 3 cấp trường đều được phổ cập.

 

Tỷ lệ trẻ được huy động đến trường đúng độ ngày càng cao

Có được kết quả như vậy là nhờ trong 3 năm đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Phương đã phát triển kinh tế tập trung vào thế mạnh của địa phương là sản xuất hàng hóa nông nghiệp, trồng rừng cây nguyên liệu lấy gỗ; đồng thời triển khai công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất; mở các lớp đào tạo nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng các công trình phúc lợi... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã giảm xuống chỉ còn 11,3% theo tiêu chí mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.

Hiện nay, 15/15 xã trên địa bàn huyện Ba Bể đã được phê duyệt đề án chi tiết, toàn huyện đã có 12/15 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và 5/15 xã đạt 2 - 4 tiêu chí trong bộ tiêu chí về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, Chương trình xây dựng nông thôn mới vừa được xem là thách thức vừa là cơ hội lớn để huyện Ba Bể thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Đảng bộ, chính quyền huyện Ba Bể cũng xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, xuyên suốt và có tính định hướng chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, sau 3 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, bộ mặt nông thôn huyện Ba Bể đã có sự khởi sắc rõ nét.

Bà Đặng Thị Anh Thơ - Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện cho biết: Sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới nhận thấy ở hầu hết các xã đã có sự thay đổi, trong đó đến thời điểm này nổi bật và rõ nét nhất phải kể đến sự phát triển và xây dựng hoàn thiện của hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng đảm bảo cho sản xuất. Kết quả này là nhờ các xã đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình để hoàn thành các tiêu chí trong từng giai đoạn.

Có thể khẳng định, từ những kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn ở địa phương, diện mạo nông thôn của huyện Ba Bể đã có những thay đổi tích cực, điều đó được thể hiện qua số hộ dân được sử dụng điện lưới ngày càng tăng; nhiều trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế xã, các công trình thủy lợi được xây dựng mới đạt chuẩn; đường thôn, xóm được nâng cấp, cải tạo và làm mới theo các tiêu chí của chương trình; quá trình sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng hàng hóa và hiện đại hóa; đời sống của bà con nông dân dần được cải thiện; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

 Công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được quan tâm thực hiện

Năm 2014 và những năm tiếp theo, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm đã có, huyện Ba Bể sẽ huy động tối đa các nguồn lực phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm sớm hoàn thành mục tiêu các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương./.

Ngọc Lan