Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2015, UBND huyện Na Rì đã ban hành Phương án sản xuất vụ mùa nhằm mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
Theo đó, huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2015 đạt 15.995 tấn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phấn đấu cả năm có 430ha đất ruộng có mức thu nhập đạt 70 triệu đồng/ha/năm.
Về kế hoạch sản xuất vụ mùa, tổng diện tích cây lương thực có hạt 3.800ha, trong đó diện tích cây lúa 2.350ha, năng suất 44tạ/ha; sản lượng 10.340 tấn; cây ngô diện tích 1.450ha, năng suất 39 tạ/ha, sản lượng 5.655tấn.
Tổng diện tích rau, đậu các loại 276ha, bao gồm diện tích rau các loại 111ha, sản lượng 916tấn; diện tích đậu các loại 165ha, sản lượng 198tấn.
Cây công nghiệp ngắn ngày 208ha, trong đó đậu tương 112ha, lạc 96ha
Cây ăn quả, trồng mới 40 ha cây cam, quýt, 5ha cây hồng không hạt.
Giải pháp thực hiện, đối với cây lương thực có hạt tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân gieo mạ lúa mùa sớm đầu tháng 5, cấy đầu tháng 6, thu hoạch trước 20/9 để kịp gieo trồng cây vụ đông; lúa mùa chính vụ gieo mạ trong tháng 6, kết thúc cấy trong tháng 7, trường hợp đặc biệt cũng phải cấy xong trước tiết lập thu (ngày 07/8 dương lịch); cây ngô hè thu trồng xong trước 10/6 đối với đất ruộng và soi bãi; trồng xong trước 20/7 đối với đất đồi; cây ngô đông trồng xong trước 20/9/2015.
Bố trí bộ giống lúa phù hợp theo từng vùng sản xuất, những loại giống cùng thời gian sinh trưởng và đặc điểm sinh học giống nhau cần bố trí tập trung theo vùng để thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch; tăng cường và mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa thuần, giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương như giống lúa Bao thai, PC6, HT6, DT68, Hoa khôi 4, Khang dân đột biến, Hương thơm số 1, Nếp 97; đối với lúa lai gieo cấy các loại giống Tạp giao I, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838.
Cây ngô, gieo trồng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất như CP999, CP888, Biosed9698, NK4300, 3Q, NK66, AG59, MX10, C919.
Cây rau, đậu các loại, ưu tiên phát triển các loại rau, đậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng đời sống hàng ngày của người dân địa phương. Sản xuất rau theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn.
Cây công nghiệp ngắn ngày, khuyến khích mở rộng diện tích gieo trồng các cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như đỗ tương, đỗ xanh, lạc.
Về thời vụ cây đậu tương, đỗ xanh kết thúc trồng trong tháng 7; lạc thu đông kết thúc trồng trong tháng 9.
Cây ăn quả, thời vụ trồng tập trung tháng 7 - 8. Thông tin tuyên truyền người dân lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện để cung ứng giống cây trồng đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để trồng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng;
Tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân, trong đó tập trung chuyển giao các giống mới, biện pháp kỹ thuật canh tác, biện pháp quản lý dịch bệnh trên cây trồng; tổng kết các mô hình khuyến nông đã triển khai, đánh giá khả năng, địa bàn có thể áp dụng và xây dựng phương án nhân rộng; đối với cây lúa, tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI); ”ba giảm ba tăng”; cấy hàng rộng hàng hẹp; gieo sạ đối với các giống lúa ngắn ngày trên những diện tích đất chủ động về tưới tiêu; bón phân cân đối, hợp lý cho cây trồng, tăng cường sử dụng phân xanh, phân chuông ủ hoai mục.
Đối với cây ngô, diện tích cây ngô trồng trên đất soi bãi, đất ruộng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất để phát huy tối đa tiềm năng, năng suất của giống; diện tích ngô trồng trên đất đồi áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc như trồng theo băng phối hợp trồng cây phân xanh giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi.
Về công tác bảo vệ thực vật, trong điều kiện sản xuất vụ mùa, nền nhiệt độ có sự thay đổi đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển và gây hại như bọ rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen...do vậy cơ quan chuyên môn cần điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, hướng dẫn nông dân kịp thời để chủ động trong công tác quản lý sâu bệnh hại, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Công tác thuỷ lợi, làm tốt công tác quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi; hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước có hiệu quả ở các hồ chứa trên địa bàn huyện đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất.
Tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh vật tư, giống cây trồng nông nghiệp./.