Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành nông nghiệp ban hành Phương án quản lý dịch hại trên một số cây trồng chính vụ mùa năm 2023

( Cập nhật lúc: 13/06/2023  )

Để chủ động quản lý sinh vật gây hại (SVGH), bảo vệ an toàn cho sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2023. Ngày 13/6/2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn xây dựng Phương án quản lý SVGH trên một số cây trồng chính vụ mùa 2023, trong đó dự báo dịch hại trên một số cây trồng chính vụ mùa năm 2023, gồm các loại cây:

 Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng giống lúa tại huyện Chợ Đồn (Ảnh tư liệu)

 

1. Cây lúa: Các đối tượng sâu, bệnh hại chính gồm: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn ...

1.1. Rầy nâu, rầy lưng trắng (gọi chung là bọ rầy): Thời gian phát sinh, gây hại và mức độ gây hại cao hơn vụ mùa 2022, các lứa rầy chính thường xuất hiện trong khoảng thời gian sau:

Lứa 5: Rầy cám nở rộ tập trung từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Hại nhẹ lúa giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.

Lứa 6: Rầy cám nở rộ và gây hại tập trung vào cuối tháng 8. Hại diện rộng trên các trà lúa. Mật độ phổ biến 1.000-1.500 con/m2, cao 5.000-6.000 con/m2, cá biệt > 10.000 con/m2. Đây là lứa chính trong vụ, do đó cần chủ động theo dõi và phòng trừ để hạn chế thấp nhất tình trạng “cháy rầy” cục bộ. Nếu không phòng trừ tốt có thể gây cháy rầy cục bộ vào đầu tháng 9.

 Lứa 7: Rầy cám nở rộ tập trung từ giữa đến cuối tháng 9. Mật độ phổ biến thấp, cá biệt  5.000 con/m2, gây hại cục bộ những diện tích lúa cấy muộn.

1.2. Sâu cuốn lá nhỏ: Lứa 4 và lứa 7, mật độ thấp, tỷ lệ hại không đáng kể. Chú ý phòng trừ lứa 5 và lứa 6.

Lứa 5: Trưởng thành vũ hóa rộ từ giữa đến cuối tháng 7. Sâu non hại nhẹ, hại lúa giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ. Mật độ phổ biến 10-15 con/m2, cục bộ 40 - 50 con/m2.

Lứa 6: Trưởng thành vũ hóa rộ tập trung vào cuối tháng 8. Sâu non hại mạnh tập trung vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Mật độ phổ biến 10 - 20 con/m2, cao 40-50 con/m2, cá bộ > 70 con/m2.

Lứa 7: Trưởng thành vũ hóa rộ tập trung vào cuối tháng 9. Sâu non nở và gây hại cuối tháng 9, đầu tháng 10. Chú ý theo dõi để phòng trừ, hạn chế sâu gây hại lá đòng lúa. Dự báo diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương vụ mùa năm 2022.

1.3. Sâu đục thân: Chú ý phòng trừ các lứa sâu gây hại chính phát sinh trong những khoảng thời gian sau:

Lứa 4: Trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, sâu non gây ung đòng, bông bạc trên trà sớm giai đoạn ôm đòng - trỗ bông; gây dảnh héo trên trà chính vụ giai đoạn cuối đẻ nhánh. Hại cục bộ, tỷ lệ hại phổ biến thấp, cá biệt 15% bông bạc,  30-40% dảnh héo.       

Lứa 5: Trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, sâu non gây ung đòng, bông bạc trên trà lúa chính vụ giai đoạn ôm đòng - trỗ bông, tỷ lệ bông bạc phổ biến 0,5-1%, cao 6-7 %, cá biệt >30%.

Lứa 6: Gây hại nhẹ rải rác trên diện tích lúa mùa cấy muộn.

Lưu ý: Chủ động theo dõi những diện tích, khu vực các vụ trước thường bị sâu đục thân gây hại (các xã: Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình - huyện Bạch Thông; xã Bằng Phúc - huyện Chợ Đồn; xã Bình Văn - huyện Chợ Mới…) để chủ động phòng trừ. Diện tích nhiễm và mức độ gây hại cao hơn vụ mùa năm 2022.

1.4. Bệnh lùn sọc đen

Có khả năng phát sinh từ đầu vụ, hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ, trên các giống nhiễm rầy lưng trắng. Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen do đó cần chú ý điều tra, phát hiện và thu thập mẫu rầy lưng trắng, gửi đi giám định virut lùn sọc đen, đồng thời tăng cường điều tra, phát hiện bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn tại quy trình kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa ban hành theo công văn số 1317/BVTV-TV ngày 24/5/2018 của Cục Bảo vệ thực vật.

1.5. Bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh ngay từ đầu vụ, phát triển mạnh và gây hại trên diện rộng trong tháng 8 đến đầu tháng 9, hại nặng trên những giống nhiễm BC15, C70, các giống lúa nếp… diện tích bón thúc thừa phân đạm và những ruộng trong khe thiếu ánh sáng, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-4%, cao 10-15%, cá biệt >30%, gây lụi từng chòm, từng thửa.

Bệnh đạo ôn cổ bông: Phát sinh, gây hại trong tháng 9 trên những diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, những diện tích cấy giống nhiễm. Tỷ lệ bông bị hại phổ biến 2-3%, cao 10%, cá biệt >30%. Diện tích nhiễm và mức độ gây hại thấp hơn vụ mùa năm 2022.

1.6. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn

Bệnh phát sinh ngay từ đầu vụ, phát triển mạnh từ tháng 8 đến tháng tháng 9, khi có nhiều đợt mưa giông. Bệnh hại chủ yếu trên các giống lúa lai, các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm. Những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm bệnh có nguy cơ hại nặng. Diện tích nhiễm, mức độ hại cao hơn vụ mùa năm 2022.

1.7. Bệnh khô vằn

Bệnh phát sinh, gây hại trên các trà lúa, cao điểm gây hại vào khoảng giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, hại nặng trên những diện tích cấy dầy, nhiều dảnh, bón phân không cân đối, tỷ lệ bệnh phổ biến 3%, cao 15%, cá biệt >30%. Diện tích nhiễm và mức độ gây hại thấp hơn vụ mùa năm 2022.

* Các loại sâu, bệnh khác:

Ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, sâu năn hại đầu vụ.

Nhện gié gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn.

Bệnh đen lép hạt, bọ xít hại lúa giai đoạn trỗ đến chắc xanh.

Chuột gây hại khi cây lúa bắt đầu làm đòng - chín, gây hại tập trung tại những ruộng cạn nước, trong khe, ven làng.

2. Cây ngô: Dự báo thành phần sâu bệnh và mức độ gây hại tương đương vụ mùa năm 2022. Chú ý phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại chính như sau:

2.1. Sâu keo mùa thu: Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ đầu tháng 8, gây hại mạnh cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, mật độ hại phổ biến 2 - 3 con/m2, cao 5 - 6 con/m2, cá biệt >10 con/m2. Chú ý những diện tích bị hại từ vụ trước, phòng trừ sớm giai đoạn ngô 3 - 5 lá.

2.2. Sâu gai: Xuất hiện từ đầu tháng 8, gây hại mạnh cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Mật độ cá biệt >200 con/m2. Chú ý theo dõi những những diện tích đã bị hại từ các vụ trước tại các huyện Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể, Ngân Sơn.

2.3. Bệnh khô vằn, bệnh thối thân: Bệnh thường phát sinh giai đoạn ngô ra 6-7 lá, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết có mưa, ẩm độ cao, trên những ruộng ngô trồng dày, bón phân không cân đối, ruộng thoát nước kém. Bệnh khô vằn làm khô chết cây hoặc thối hỏng bắp ngô. Bệnh thối thân làm cho thân bị thối, gẫy đổ, làm chết cây.

2.4. Rệp: Phát sinh giai đoạn ngô 8-9 lá cho đến khi thu hoạch, rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô trồng dày hoặc ruộng ngô bị hạn.

Các loại sâu, bệnh khác:

Sâu xám: Gây hại rải rác tại hầu hết những diện tích trồng ngô giai đoạn mọc đến 4 lá.

Sâu đục thân, đục bắp: Sâu hại suốt quá trình trình trưởng cây ngô, cao điểm gây hại từ khi ngô trỗ cờ đến hình thành bắp.

Bệnh lùn đẻ nhánh, hiện tượng lùn cây ngô: Gây hại chủ yếu giai đoạn phát triển thân lá.   

Bệnh đốm lá: Phát sinh trong quá trình sinh trưởng của cây ngô, bệnh thường phát triển mạnh trên những ruộng không còi cọc, xấu sinh trưởng kém, ruộng ngô khô hạn.

3. Cây cam, quýt: Cây cam quýt giai đoạn nuôi quả đến thu hoạch, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại chính như sau:

3.1. Bọ xít xanh: Phát sinh gây hại từ khi quả còn nhỏ đến khi thu hoạch. Giai đoạn quả nhỏ bị chích hút nhiều quả sẽ chai, vàng và rụng sớm; giai đoạn quả lớn bị chích hút quả sẽ bị thối, rụng.

Thường gây hại nhiều hơn ở những vườn cây lớn tuổi có nhiều bóng mát; những vườn rậm rạp, cành lá um tùm, ít cắt tỉa, vệ sinh; hại nặng hơn ở giai đoạn quả non.

3.2. Ruồi đục quả, ngài chích quả: Gây hại chủ yếu giai đoạn chuyển hóa đường đến chín vào khoảng tháng 10 đến tháng 12. Quả bị hại sẽ thối rụng làm giảm năng xuất và chất lượng quả. Do đó cần chú ý phòng trừ để hạn chế thiệt hại do ruồi đục quả và ngài chích quả gây ra.

3.3. Nhện đỏ: Phát triển mạnh trong mùa khô hạn, thời tiết nắng nóng từ tháng 9 đến tháng 11. Nhện đỏ gây hại trên cả lá và quả, hại nặng lá chuyển từ màu xanh sang màu trắng bạc, vỏ quả biến màu tạo nên những đốm sần sùi, làm giảm năng suất, phẩm chất quả.

Các loại sâu, bệnh khác:

- Bệnh vàng lá thối rễ: Gây hại nặng vào khoảng tháng 7-9.

- Bệnh nứt thân chảy nhựa: Gây hại nặng khi mưa ẩm kéo dài, vườn rậm rạp, chăm sóc kém.

4. Cây hồng không hạt: Bệnh thán thư tiếp tục gây hại cục bộ tại huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn. Cần chủ động, tích cực phòng trừ theo hướng dẫn tại văn bản số 614/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 01/4/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường chỉ đạo phòng, trừ bệnh thán thư hại cây hồng không hạt.

5. Cây lâm nghiệp

5.1. Châu chấu tre hại vầu, tre, nứa: Tiếp tục gây hại trong tháng 7-8, tại những khu vực thường xuyên xuất hiện vào các năm trước ở các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông.

Chú ý theo dõi hướng di chuyển của châu chấu, xác định vị trí châu chấu đẻ trứng (vào tháng 9,10) để chủ động theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời lứa mới phát sinh trong năm tiếp theo.

5.2. Bệnh thán thư hại cây hồi: Tiếp tục gây hại cục bộ tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ngân Sơn với tỷ lệ hại cao 15% lá, cá biệt 50% lá.

* Các loại sâu, bệnh khác:

- Sâu đo, vòi voi, bọ xít nâu, sâu gặm vỏ, bệnh phấn trắng: Gây hại cây quế tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. 

- Sâu róm: Gây hại cây thông tại các vùng trồng tập trung của các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn.

- Mối, bệnh chết héo, bệnh phấn trắng: Hại cây keo tại các huyện, thành phố.

6. Cây trồng khác

6.1. Cây khoai môn: Sâu khoang phát sinh, gây hại từ cuối tháng 6 đến tháng 7; bệnh cháy lá phát sinh, gây hại vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.

6.2. Cây gừng, nghệ: Bệnh cháy lá, thối củ phát sinh gây hại từ tháng 7; hại mạnh từ tháng 8 trở đi, trên những diện tích năm trước bị bệnh, diện tích sử dụng củ giống đã bị nhiễm bệnh. Nếu không phòng trừ kịp thời bệnh gây lụi từng chòm, giảm năng suất, cục bộ có thể không cho thu hoạch

6.3. Cây dong riềng: Bệnh thối thân, bệnh cháy lá phát sinh gây hại rải rác từ cuối tháng 6, hại nặng tại những diện tích trồng dầy, không thoát nước, những diện tích đất nghèo dinh dưỡng, diện tích năm trước bị bệnh; tỷ lệ bệnh cá biệt 50-60%.

6.4. Cây chè: Chú ý phòng trừ bệnh đốm nâu phát sinh, gây hại từ tháng 7 đến tháng 8, bệnh phồng lá chè gây hại từ tháng 9 đến tháng 10, bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ gây hại trong tháng 10 đến tháng 11.

Đối với các giải pháp thực hiện

1. Tuyên truyền

- Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chương trình 3 giảm 3 tăng, ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), bón phân cân đối... giúp cây khoẻ, hạn chế tác hại của sâu bệnh.

- Thông tin kịp thời những diễn biến của thời tiết, tình hình phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại trên cây trồng, các biện pháp phòng trừ được cơ quan chuyên môn thông báo định kỳ hoặc đột xuất.

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong phòng trừ sinh vật gây hại đến nông dân. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng các giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng giảm nguy cơ do sinh vật gây hại gây ra.

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước

- Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng chủ trì, tham mưu kịp thời cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản về phòng trừ các đối tượng dịch hại; tham mưu cho Sở trình UBND tỉnh phương án dập dịch, quyết định công bố dịch, quyết định công bố hết dịch hại trên cây trồng (nếu có). Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban ngành của địa phương chỉ đạo phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất.

- Thực hiện công tác thanh, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành.

3. Giải pháp kỹ thuật

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của đối tượng dịch hại chủ yếu.

- Sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và thuốc BVTV sinh học sản xuất trong nước.

- Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về phòng trừ dịch hại và kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV cho nông dân.

- Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, ngăn chặn kịp thời không để các đối tượng kiểm dịch thực vật xuất hiện trên địa bàn.

Giao UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn, công chức phụ trách nông lâm nghiệp: Tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ, chăm sóc kịp thời, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; thường xuyên thăm đồng và chủ động phòng trừ kịp thời; sử dụng thuốc BVTV theo kỹ thuật “4 đúng”. Đồng thời trao đổi thông tin về tình hình dịch hại với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp để đảm bảo việc cung ứng thuốc BVTV kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng.

- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện nghiêm túc việc điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn theo quy định; báo cáo đầy đủ, kịp thời cho chính quyền địa phương và Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng. Đề xuất các chủ trương, biện pháp phòng trừ kịp thời có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất. Tổ chức điều tra bổ sung trước, trong và sau cao điểm sâu, bệnh hại; thông báo và chỉ đạo phòng trừ kịp thời sâu, bệnh hại trong cao điểm; không để dịch sâu, bệnh xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng.

- UBND các huyện, thành phố dựa trên tình hình sâu bệnh hại cây trồng, dự tính, dự báo, đánh giá nguy cơ, chủ động xây dựng kế hoạch phòng trừ, không để sâu bệnh hại trên diện rộng.

Các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV

Các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; cập nhật thông tin về tình hình sâu bệnh hại cây trồng từ cơ quan chuyên môn để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho người dân./.

Admin