Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sâu bệnh phát sinh và gây hại trên lúa xuân

( Cập nhật lúc: 12/05/2017  )

Vụ xuân năm 2017 tỉnh Bắc Kạn gieo trồng được 9.036ha lúa, bằng 107,5% kế hoạch, hiện nay cây lúa chính vụ đang giai đoạn đứng cái - làm đòng, diện tích lúa xuân sớm đang trỗ bông phơi màu.

Theo kết quả điều tra của Chi cục trồng trọt và BVTV bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và gây hại mạnh trên diện rộng, chủ yếu trên các giống lúa như BC15, Syn 6 và giống lúa nếp.

 Bệnh đạo ôn lá gây hại

Tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn  gần 62ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 29ha, diện tích trung bình gần 19ha, diện tích nhiễm nặng 12,8 ha, diện tích có nguy cơ bị mất trắng 1,4 ha trên giống BC15 tại thôn Nà Rẫy xã Thanh Vận huyện Chợ Mới; diện tích nhiễm mới 18,5ha. Tỷ lệ bệnh hại phổ biến 3 - 5% , có nơi cao lên đến 10-15%, cá biệt có chân ruộng tỷ lệ bệnh lên tới 80% (huyện Chợ Mới). Hiện nay người dân đã phụ trừ được diện tích 74ha, nhưng do thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển và gây hại nên diện tích nhiễm cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) gây hại mạnh trên diện rộng, chủ yếu hại nặng trên các giống Tạp Giao 1, Khang Dân, DV108,  Nhị ưu 63. Tổng diện tích nhiễm 94,6ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 61,6ha, diện tích nhiễm trung bình 31 ha, diện tích nhiễm nặng 2 ha (thành phố Bắc Kạn); diện tích nhiễm mới 40,6ha. Mật độ bọ rầy hại phổ biến 200 - 300 con/m2, có chân ruộng mật độ rầy hại 1.500 con/m2, cá biệt có nơi lên đến 3.200 con/m2. Được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bà con nông dân đã tích cực phun trừ được 260ha nên mật độ và diện tích nhiễm giảm so với cùng kỳ năm trước  

 Nông dân phun thuốc BVTV trừ bọ rầy

Dự báo trong thời gian tới thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ rầy sinh trưởng,  phát triển. Cần thường xuyên kiểm tra ruộng, khi thấy mật độ bọ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 03 con/dảnh trở lên tiến hành phun trừ bằng 1 trong các loại thuốc như Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP…Chú ý cần giữ nước trong ruộng từ 3-5 cm. Những ruộng có mật độ bọ rầy cao phải phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5→7 ngày, có thể pha trộn các loại hòa vào nhau để phun như 25ml Bassa 50EC + 15g Patox 95SP + 10ml chất bám dính (hoặc dùng 1-2g xà phòng bột hoặc 20-25ml dầu khoáng)/bình 10lít, liều lượng phun 6 bình/1.000m2. Nên dùng luân phiên các loại thuốc để hạn chế tính kháng thuốc của bọ rầy. Khi phun bắt buộc phải hạ thấp vòi phun để trừ bọ rầy tập trung dưới bẹ và gốc lúa. Cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau khi phun trừ rầy và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng bọ rầy bùng phát trở lại.

Đối với bệnh đạo ôn lá có thể tiếp tục phát sinh và gây hại tại những diện tích bón thừa đạm, diện tích gieo trồng các giống lúa nếp, BC15, C70…, diện tích ven đồi, trong khe. Tỷ lệ hại phổ biến 3-5%, cá biệt dẫn đến ”cháy” từng chòm. Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh đạo ôn gây hại phải dừng ngay việc bón đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, duy trì mức nước trong ruộng vừa phải (3 - 4 cm) và sử dụng 1 trong những loại thuốc như Kasai 21,2WP, Kabeam 75WP, Beam 75WP, Fuji-one 40EC để xử lý bệnh. Nếu bệnh gây hại nặng cần phun kép 2 lần, mỗi lần phun cách nhau 5 -7 ngày.

Cao Thị Hồng Thắng