Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xử lý bệnh vàng lá nghẹt rễ hại lúa mùa

( Cập nhật lúc: 29/07/2020  )

Do thời gian gối vụ ngắn, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, bà con nông dân tiến hành làm đất để gieo cấy ngay, không có thời gian ngâm dầm hoặc phơi ải nên thân, gốc rạ, rễ lúa bị vùi lấp chưa kịp phân hủy; lượng rơm rạ còn tồn dư trên đồng ruộng phân hủy sẽ sản sinh ra một số khí độc, làm cho cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, rễ bị đen (bệnh nghẹt rễ).

 Cày vùi gốc rạ không qua xử lý là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh nghẹt rễ lúa mùa

Lúa mùa mới cấy thường bị bệnh nghẹt rễ, bệnh nghẹt rễ là bệnh sinh lý, không lây lan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây lúa và làm giảm năng suất nếu không được khắc phục kịp thời. Khi bệnh mới phát sinh ngọn lá úa vàng, đầu lá khô đỏ, trên lá thường xuất hiện những vết đốm màu nâu, biểu hiện trên lá già trước. Bệnh nặng, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh kém, bộ rễ thối đen có mùi tanh hôi, ít rễ trắng, ruộng lúa sẽ bị chết từng chòm, có khi chết cả ruộng.

 Khóm lúa bị vàng lá do bệnh nghẹt rễ gây ra

 

Nguyên nhân chính là do đất thiếu oxi, gây tình trạng yếm khí. Hiện tượng này thường xảy ra khi bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục, đất không được phơi ải, đất ruộng có thành phần cơ giới nặng, đất ngập nước thường xuyên… 

Để xử lý bệnh vàng lá do nghẹt rễ gây ra, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Bước 1: Khi phát hiện lúa bị vàng lá cần ngừng ngay việc bón phân đạm, phân NPK hoặc các loại phân bón lá. Cho thêm nước vào ruộng, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa.

 Sục bùn để giải phóng khí độc trong đất

Bước 2: Rút cạn nước ra khỏi ruộng và phơi ruộng khô 2-3 ngày (nứt chân chim), sau đó đưa nước trở lại ruộng.

 Rút cạn nước và phơi ruộng nứt nẻ chân chim (ảnh minh họa)

Bước 3: Bón bổ sung phân lân nung chảy Văn Điển (25-30 kg/1.000 m2) hoặc phân chuồng hoai mục (800-1.000 kg/1.000 m2).

Trên những ruộng bị nặng và có nấm bệnh gây hiện tượng thối thân, thối bẹ thì sử dụng một trong các loại thuốc như  Antracol 70WP, Kasumin 2L, Kasu 2L,... phun theo hướng dẫn trên bao bì.

Có thể bón bổ sung thêm phân bón qua lá có hàm lượng các nguyên tố vi lượng cao như Atonik 1.8SL, Humic, K-humate…

 Nếu thấy ra rễ trắng mới thì tiến hành chăm sóc bình thường

Bước 4: Sau khi xử lý 5-7 ngày, nhổ khóm lúa lên nếu thấy ra rễ trắng mới thì tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường.

Lưu ý: Cần phân biệt với vàng lá do bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá do vi khuẩn gây ra./.


Phạm Thu