Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắc Kạn đề ra các mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả trồng rừng

( Cập nhật lúc: 06/05/2020  )
Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035, đồng thời tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

Theo đó, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn xác định rõ chuyển dịch cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp đến năm 2025 lấy lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm, mục tiêu giá trị gia tăng trong lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 (theo giá so sánh) đạt 2.099 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp tăng 2,09 lần so với hiện tại, chế biến tre, gỗ, nứa tăng thêm hơn 20 lần so với năm 2018. Cụ thể, đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp là trồng trọt chiếm 42,21%, chăn nuôi chiếm 20,6%, lâm nghiệp chiếm 37,2%, thủy sản chiếm 1,16%.

 
 Vườn ươm Nà Pài, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn xuất cây giống phục vụ người dân trồng rừng năm 2020

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến lâm sản, nâng cao chuỗi giá trị lâm nghiệp. Cụ thể năm 2018, trong cơ cấu giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm 23% (trồng trọt chiếm 54,8%, chăn nuôi chiếm 20,9%, thủy sản chiếm 1,3%). Năm 2019, tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 27,73% (trồng trọt - chăn nuôi chiếm 71,56%, thủy sản chiếm 7,71%), như vậy giá trị gia tăng sản phẩm từ lâm nghiệp đã có chuyển biến đáng kể theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh đề ra mục tiêu diện tích rừng trồng đạt 100.000ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500-6.500ha/năm với trữ lượng 700.000-900.000m3/năm. Đối với ngành dược liệu, phấn đấu 50% sản lượng cây dược liệu được chế biến tại địa phương, trong đó 30% chế biến sâu. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, nhằm góp phần nâng cao giá trị lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu, tỉnh đề ra các giải pháp như: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, ván nhân tạo; quy hoạch và phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; khai thác bền vững và phát triển trồng, sản xuất dược liệu; định hướng về thị trường trong nước và từng bước tiếp cận, tham gia thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu một số chính sách phân vùng và khuyến khích trồng rừng, thu hút các nhà đầu tư tham gia và lĩnh vực chế biến nông lâm sản, dược liệu; đồng thời chú trọng đẩy mạnh các hình thức liên doanh - liên kết để đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, vật tư phân bón, huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư trồng rừng sản xuất./.

Hồng Chiêm