Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắc Kạn tập trung các nguồn lực để thực hiện các giải pháp tiêu thụ sản phẩm dong riềng năm 2017

( Cập nhật lúc: 02/10/2017  )

Năm 2017, diện tích trồng cây dong riềng 907 ha đạt 107,6% kế hoạch; năng suất trung bình dự ước đạt 700 tạ/ha, sản lượng ước đạt 63.490 tấn. 

 Người dân chăm sóc cây dong riềng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ dong riềng với tổng công suất chế biến củ dong riềng là 460 tấn củ/ngày. Theo thống kê sơ bộ diện tích đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 800ha, tương ứng với sản lượng 56.173tấn bằng 88% sản lượng dự kiến thu được của năm 2017; diện người dân chủ động bao tiêu sản phẩm là 30 ha, tương ứng với sản lượng  2.240 tấn bằng 3,52% sản lượng dự kiến thu được của năm 2017; diện tích chưa tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm là 72 ha, tương ứng với sản lượng 5.076 tấn bằng 8 % sản lượng dự kiến thu được của năm 2017.

Qua rà soát cho thấy giá củ dong trung bình được ký kết bao tiêu sản phẩm giao động từ 1.500đ đến 2.800đ/kg củ tươi và giá bột dao động từ 15.000đ/ kg đến 23.000đ/kg. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đôn đốc các đơn vị thu mua dong riềng tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm cho các diện tích dong riềng còn lại trên địa bàn tỉnh. 

 Sản xuất miến dong tại cơ sở

Với sản lượng củ dong ước đạt 63.490 tấn, dự kiến sản xuất được 9.500 tấn bột và khoảng trên 5.500 tấn miến. Như vậy nếu lượng củ dong sản xuất ra được chế biến thành bột và miến dong trong tỉnh sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, đây là cơ hội để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương.

Về giải pháp tiêu thụ sản phẩm dong riềng năm 2017, hiện nay các địa phương đang đề xuất đẩy mạnh liên kết giữa 04 nhà Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ dong riềng được vay các nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất; các cơ sở chế biến dong riềng cần dự kiến giá thu mua củ dong riềng ngay từ đầu vụ trồng, ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Cấn có cơ chế hỗ trợ các cơ sở chế biến như cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới những dây truyền sản xuất phù hợp, nâng công suất chế biến, đảm bảo chế biến toàn bộ sản lượng dong riềng của tỉnh; hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở chế biến đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”, thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm như quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm đầu ra cho sản phẩm tinh bột và miến.

Đối với các cơ sở chế biến cần nâng cao chất lượng miến về màu sắc, độ dẻo, thơm…để tăng sức cạnh tranh trên thị trường; miến sản xuất ra của các cơ sở sản xuất phải được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường theo đúng quy định; hiện nay các sản phẩm có quy cách đóng gói chủ yếu là loại 1kg, 0,5kg, cần có thêm các loại túi có trọng lượng 0,2 kg để phù hợp với thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng; sử dụng bao bì có logo nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn để tránh được hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh hợp tác phát triển với các Công ty, Doanh nghiệp, cá nhân đã ký kết bao tiêu sản phẩm; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thay thế phên phơi, dự trữ chất đốt (than), sử dụng các công nghệ xử lý nước thải ra môi trường đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ bã thải thành phân vi sinh vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại có nguồn phân hữu cơ thay thế cho phân chuồng phục vụ tái sản xuất; thực hiện đầy đủ cam kết môi trường đã ký kết.

Trước kết quả đạt được của năm 2017, dự kiến năm 2018 tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 950ha dong riềng tập trung tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới và huyện Pác Nặm, đây là dấu hiệu đáng mừng cho việc tái mở rộng trồng cây dong riềng trong những năm vừa qua./. 

Hồng Thắng