Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bắc Kạn tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

( Cập nhật lúc: 02/10/2017  )

Với định hướng xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nông dân.

Thực tế những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; điều kiện địa hình cao, diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng cơ giới hóa; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, chế biến còn nhiều hạn chế. Sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung chưa phát triển; giá đầu ra sản phẩm không ổn định, sản phẩm có thương hiệu còn ít; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh còn thấp so với các tỉnh lân cận; thu nhập và đời sống của người sản xuất nông nghiệp chưa cao… Vì vậy, dẫn đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn.

Xuất phát từ thực trạng đó, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn xác định xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với việc hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó mục tiêu cốt lõi là hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân được nâng cao; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ…

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra và xây dựng lộ trình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020; cụ thể bằng các chương trình, đề án, nhiệm vụ  gắn với phòng, ngành, đơn vị phụ trách. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 06/QĐ-UBND ngày 08/01/2016 của UBND tỉnh Kạn về việc thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa phải đảm bảo phù hợp theo cơ chế thị trường, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và hợp tác xã. Ngành nông nghiệp đã tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng chương trình hành động về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, trong đó đối với ngành trồng trọt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, sản lượng lương thực có hạt đạt 175.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 530kg/người/năm, diện tích gieo trồng 22.000ha lúa và 16.000ha ngô. Sử dụng các giống lúa, ngô có năng suất chất lượng cao, thích ứng rộng để tăng năng suất, sản lượng, trong đó có 4.000ha sản xuất lúa chất lượng.

Duy trì ổn định diện tích trồng cây ăn quả đặc sản hiện có. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện 700ha cam, quýt và 200ha hồng không hạt sản xuất theo hướng VietGap;  đầu tư, thâm canh tăng năng xuất 2.000ha cây chè hiện đang khai thác tương đối có hiệu quả. Ổn định diện tích 1.500ha cây dong riềng; 1.000ha cây thuốc lá. Thực hiện đầu tư thâm canh tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đối với ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ tập trung. Đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng bằng việc sử dụng những giống lai có năng suất, chất lượng cao; bảo tồn, phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao. Tập trung phát triển đàn Lợn thịt đạt trung bình hàng năm 250.000con, theo hình thức gia trại, trang trại. Phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 20.000 tấn

Đối với ngành thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và có hướng tới xuất bán ra tỉnh ngoài. Đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng địa phương. Chủ động sản xuất giống thủy sản có chất lượng, sạch bệnh trước khi cung cấp ra thị trường các đối tượng nuôi chủ lực; phấn đấu đến 2020, tự sản xuất được 100% các đối tượng nuôi chủ lực tại địa phương không phải nhập mua từ tỉnh ngoài.

Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng, đầu tư nâng cao chất lượng cây giống, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 90.000 ha rừng trồng, trong đó có trên 10.000 ha rừng trồng là cây gỗ lớn... Nâng cao năng suất rừng trồng đạt bình quân 10 -13m3/ha/năm. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng được 500km đường lâm nghiệp, gắn trồng rừng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm;

Thực hiện việc rà soát, bổ sung lại quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất của từng địa phương, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ quỹ gien và phát triển rừng sản xuất tập trung theo vùng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng đáp ứng cho công nghiệp chế biến gỗ, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ; duy trì trên 200 cơ sở sản xuất gia công chế biến gỗ, đồ gia dụng hiện có trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó một trong những nội dung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đó là việc phát triển các hợp tác xã. Đây cũng là một tiêu chí trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh Bắc Kạn thành lập mới được 20 Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trong đó có 04 HTX trồng trọt, 06 HTX chăn nuôi, 10 HTX tổng hợp nâng tổng số hợp tác  xã nông nghiệp đến thời điểm là 85 hợp tác xã. Thu nhập bình quân của thành viên HTX nông nghiệp tính thời điểm 31/12/2016 là 3,2 triệu đồng/tháng, tăng 700 nghìn đồng so với thời điểm ngày 01/7/2013 là 2,5 triệu đồng/tháng. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào còn dịch vụ sản phẩm đầu ra cho thành viên còn hạn chế.

Các thành viên HTX nông nghiệp thấy được lợi ích thiết thực khi liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Đã có một số HTX nông nghiệp như HTX Phương Đức, xã Hà Hiệu và HTX Sang Hà, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể; HTX Thành Đạt, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới; HTX Bình Sơn, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông... thực sự là tổ chức kinh tế tập thể của hộ nông dân. Tuy nhiên, quy mô các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé, bình quân chỉ khoảng 12 thành viên/01 HTX; vốn góp bình quân khoảng 200 đến 300 triệu đồng/01HTX; thu nhập HTX bình quân khoảng vài chục triệu đồng. Tỷ lệ hộ nông dân là thành viên HTX nông nghiệp còn rất nhỏ. Hiện nay chỉ có 779 hộ thành viên/67.897hộ nông dân tỷ lệ bằng 1,147%.

Như vậy, nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, những năm qua thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ngày càng tăng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất tăng lên đáng kể. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo từng lĩnh vực cũng dần được hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lượng hàng hoá ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp tỉnh Bắc Kạn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết Quý I năm 2017, toàn tỉnh có 3 xã đạt 19 tiêu chí; 01 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 36 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 69 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 26 xã đạt châunr nông thôn mới. Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, ngành nông nghiệp đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất từ đó giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững từ nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ chương trình nông thôn mới trên địa bàn./.

Hồng Thắng