Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật

( Cập nhật lúc: 19/03/2024  )

Nhằm bảo đảm công tác kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định. Ngày 18/3/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ban hành Văn bản số 118/CNTY- QLDB&CN về chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh và kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam gửi Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Nông nghiệp các huyện; Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới và kiểm dịch viên được ủy quyền cấp giấy kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung, cụ thể như:

Đối với Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Nông nghiệp các huyện: Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Công điện số 426/CĐ-TTg, ngày 18/5/2023, Công điện số 694/CĐ-TTg, ngày 01/8/2023, Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 06/12/2023 và Công điện số 12/CĐ-TTg, ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT.

 Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Trạm kiểm dịch động vật - Chi cục Thú y tỉnh Bắc Kạn kiểm tra,

kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh (Ảnh tư liệu năm 2023)

Tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, đơn vị chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật biết các quy định về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Chỉ đạo lực lượng Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng (Ban Quản lý chợ, lực lượng Công an, Quản lý thị trường…) và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra tại các chợ đầu mối, các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Tham mưu cơ quan có thẩm quyền của địa phương chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn, phòng, chống nhập lậu, hợp thức hóa nguồn gốc, các trường hợp trực tiếp hoặc tiếp tay cho việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới: Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại Trạm kiểm dịch động vật 24/24 giờ. Kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật tại Trạm đầu mối giao thông theo đúng quy định tại Điều 40 Luật Thú y và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm pháp luật về thú y. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông ra, vào địa bàn. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn theo đúng quy định về kiểm dịch động vật lưu thông trong nước. Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả; chủ động truy tìm và xử lý nghiêm các trường hợp nghi ngờ, cấp, sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật không đúng quy định.

Đối với Kiểm dịch viên được ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh:

Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm dịch, ghi giấy chứng nhận vận chuyển  gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm xuất ra khỏi tỉnh theo quy định của pháp luật về thú y. Tuyệt đối không được hợp thức hóa, không được cấp khống giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Phối hợp với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển xuất tỉnh. Từ chối kiểm dịch các trường hợp không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không hợp thức hóa lô hàng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Kiểm dịch viên động vật phối hợp thực hiện giám sát việc tiêm phòng vắc xin, trực tiếp kiểm tra lâm sàng (cảm quan), đánh dấu gia súc (bấm thẻ tai, kẹp chì...) trước khi vận chuyển theo quy định; đồng thời gia súc phải đảm bảo được lấy từ vùng an toàn dịch bệnh, khỏe mạnh và đã được tiêm phòng các bệnh theo quy định; nghiêm cấm việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho chủ hàng, hoặc cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không trực tiếp kiểm tra và từ chối kiểm dịch các trường hợp không rõ nguồn gốc và mục đích sử dụng,…tuyệt đối không hợp thức hóa lô hàng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật./.

Admin