Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động phòng trừ sâu đục thân 2 chấm trên lúa mùa

( Cập nhật lúc: 21/07/2020  )

Hiện nay, lúa mùa sớm trên địa bàn tỉnh đang giai đoạn đẻ nhánh rộ; lúa mùa chính vụ giai đoạn cấy đến hồi xanh. Thời tiết nắng nóng xen kẽ có mưa là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh và gây hại, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm. Để phát hiện và phòng trừ sâu đục thân 2 chấm kịp thời và hiệu quả bà con cần chú ý:

Triệu chứng gây hại

Lúa từ thời kỳ mạ đến lúc trỗ bông đều có thể bị hại. Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ. Thời kỳ đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ phía ngoài vào đến nõn giữa phá hoại làm cho dảnh lúa bị héo.

 Sâu đục thân gây dảnh héo trên mạ

Thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ bông, sâu đục qua lá bao của đòng chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho ung đòng (lúa không trỗ được) và bông bị lép trắng (bông bạc).

 Ruộng lúa bị sâu đục thân gây hại (bông bạc)

Hình thái và cách sinh sống

Trứng đẻ thành ổ, hình bầu dục, trên mặt ổ trứng có phủ lớp lông màu vàng nhạt như hạt đỗ mốc. Trứng thường được đẻ trên mặt lá lúa, mỗi ổ có từ 50-200 quả tuỳ theo lứa sâu. Trứng đẻ sau 7-9 ngày thì nở thành sâu non.

 Ổ trứng sâu đục thân 2 chấm

 

Sâu non có 5 tuổi, màu trắng sữa đến vàng nhạt, sâu non tuổi 1 đầu có màu đen, tuổi 2 đến tuổi 5 có màu nâu. Khi mới nở sâu non tuổi 1 nhỏ như sợi tóc tập trung xung quanh ổ trứng vừa nở, sau đó nhả tơ nhờ gió đung đưa bám vào thân cây lúa và đục, chui vào thân cây gây hại. Từ tuổi 2 đến tuổi 5 sâu non gây hại trong thân cây lúa, đến tuổi 5 sâu hóa nhộng ở đốt cuối cùng của cây lúa. Thời gian sống của sâu non 25-30 ngày.

 Sâu đục thân 2 chấm tuổi 5

 

Nhộng có màu trắng sữa, sau chuyển màu vàng và sau 7- 9 ngày lột xác thành bướm.

 Sâu non thường hoá nhộng trong gốc thân lúa

 

Trưởng thành (bướm) màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cánh trước mỗi bên có một chấm đen rất rõ, khi đậu có hình khum như mái nhà. Bướm thích ánh sáng đèn. Bướm vũ hóa vào ban đêm và giao phối, đẻ trứng ngay trong đêm đó, sau 2-3 ngày thì chết. Bướm thích đẻ trứng ở những ruộng lúa xanh non, rậm rạp. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 1-5 ổ trứng.

 Bướm sâu đục thân

 

Biện pháp phòng trừ

Cày bừa sớm, phơi ải hoặc ngâm nước để diệt nhộng.

 Cày lật gốc rạ và ngâm nước để diệt nhộng sâu đục thân

 

Cấy gọn thời vụ. Bón phân tập trung, cân đối, đặc biệt không bón phân đạm quá liều lượng và bón không đúng cách sẽ khiến cây lúa bị lốp hoặc đẻ lai rai là điều kiện thuận lợi cho sâu gây hại.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ thời gian bướm ra rộ: Quan sát bướm vào đèn hoặc bướm đậu trên lá lúa vào sáng sớm để dự báo thời gian phòng trừ kịp thời.

Khi phát hiện sâu gây hại với tỷ lệ thấp bà con có thể áp dụng các biện pháp như: Bẫy đèn đồng loạt để diệt trừ bướm sâu đục thân hoặc dùng vợt bắt bướm khi bướm rộ, ngắt ổ trứng, cắt dảnh héo rồi tiêu huỷ.

Khi mật độ bướm cao hoặc mật độ ổ trứng 0,3-0,5 ổ/m2: Phun thuốc sau khi bướm rộ 5-7 ngày đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; giai đoạn lúa trỗ phun 2 lần vào lúc trước và sau khi lúa trỗ bông 3-5 ngày bằng một trong các loại thuốc như: Voliam Targo 063SC, Gà Nòi 95SP, Patox 95SP, Enasin 32WP…

Chú ý: Phun thuốc theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ “kỹ thuật 4 đúng”.

 

Phạm Thu