Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đốt rơm rạ sau thu hoạch gây lãng phí, có hại môi trường

( Cập nhật lúc: 10/06/2020  )

Cứ đến mùa gặt, câu chuyện đốt rơm rạ của bà con nông dân ở một số địa phương lại được đặt ra. Tuy không mới, nhưng là vấn đề đáng quan tâm vì gây ảnh hưởng tới đời sống, môi trường và sức khỏe của người dân, đồng thời còn gây lãng phí đáng kể.

Thực tế cho thấy, do hai vụ lúa kế tiếp nhau liên tục, việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị sản xuất lúa mùa, nhiều bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa thay vì thu gom rơm rạ để tận dụng ủ phân hoặc trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất thì bà con lại đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, điều đó làm gây ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn đất sản xuất. 

Nông dân ở nhiều nơi đã quen với ý nghĩ: Đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại và sau khi đốt rơm thành tro và tro này ủ khoảng 2-3 tháng sẽ đem bón cho các ruộng trồng rau.

Nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao. 

 Đốt rơm rạ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường

Ngoài ra, khói rơm gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe. Đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 (dioxid cacbon), CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid), khí SO2 (dioxid sunfur) và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1ha (trung bình 7 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798kg khí CO, 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi.

Đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng còn là một sự lãng phí. Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa. Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ còn cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Để khắc phục những tác hại và lãng phí nêu trên, nhằm xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch một cách hợp lý và hiệu quả bà con nông dân cần chú ý:

 Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Kạn tuyên truyền về lợi ích của việc thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho bà con nông dân

Khi thu hoạch bà con nên sử dụng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ rải ngay trên ruộng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ. Trong trường hợp không có máy gặt đập liên hợp, bà con nên để lại khoảng trống nhỏ ở góc ruộng rồi gom rơm rạ vào đó để tự phân hủy… hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học (Sumitri, Trichoderma, AT Bio-Deromposer…) giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật hữu ích, cải thiện độ phì của đất. Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15-20%, năng suất vượt trội từ 10-15% so với bình thường, góp phần giảm đáng kể các bệnh thường gặp trên cây lúa. Ngoài ra, có thể thu gom, xử lý rơm rạ để trồng nấm hoặc bán cho các cơ sở trồng nấm để tăng thêm thu nhập.

Lợi ích từ rơm rạ đã được các khoa học chỉ ra nhưng để đi vào cuộc sống, cần có sự định hướng, tuyên truyền từ các cấp cơ sở. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân cách thức xử lý rơm rạ để tránh lãng phí và mùa gặt sau không còn khói mù./.

Phạm Thu