Hiệu quả kinh tế của cây dong riềng đỏ
( Cập nhật lúc:
20/05/2020
)
Cây dong riềng nói chung được người dân Bắc Kạn trồng từ lâu, đặc biệt cây dong riềng đỏ (giống địa phương) trồng rải rác trên sườn đồi và soi bãi để lấy nguyên liệu làm miến tráng tay thủ công tự cung tự cấp, năng suất thấp, nhưng ít sâu bệnh. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đối với miến dong tăng cao nên người dân chuyển sang trồng giống dong riềng lai DR1, do vậy cây dong riềng đỏ địa phương bị mai một.
|
Người dân chăm sóc cây dong riềng |
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2012 toàn tỉnh trồng được 1.848 ha diện tích cây dong riềng, năng suất đạt 662 tạ/ha, sản lượng đạt 122.349 tấn; năm 2013 diện tích trồng 2.943 ha, năng suất 594 tạ/ha, sản lượng 174.847 tấn. Tuy nhiên, do giá bán củ dong, tinh bột thấp nên diện tích bắt đầu giảm theo các năm, cụ thể năm 2018 trồng 1.040 ha, năng suất 700 tạ/ha, sản lượng 72.829 tấn; năm 2019 trồng 468 ha, năng suất đạt 737 tạ/ha, sản lượng ước đạt 34.479 tấn; năm 2020 trồng 494 ha, năng suất ước đạt 753 tạ/ha, sản lượng ước đạt 37.198 tấn. Người dân chủ yếu sử dụng giống DR1 chiếm khoảng 95% diện tích, giống dong riềng địa phương chiếm 3-5% diện tích, trồng tập trung tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, lên luống cao, bón phân cân đối và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng máy móc phun thuốc bảo vệ thực vật.
Toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở sản xuất, chế biến miến dong, trong đó có 17 cơ sở chế biến bột và sản xuất miến; 10 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột; 10 cơ sở chuyên sản xuất miến; có 27 cơ sở có máy chuyên sản xuất miến dong, trong đó 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm; 11 cơ sở chế biến đạt công suất từ 50-80 tấn miến dong/năm; còn lại 12 cơ sở chế biến miến đạt dưới 50 tấn miến dong/năm; giá bán củ dong bình quân từ 800-1.500 đồng/kg, giá bán tinh bột trung bình từ 10.000-11.000 đồng/kg; giá bán miến trung bình từ 55.000-65.000 đồng/kg.
Do nhu cầu của thị trường, những năm gần đây cây dong riềng đỏ đã được một số hộ dân và cơ sở chế biến miến dong quan tâm khôi phục diện tích, năm 2020 toàn tỉnh trồng được 8,1 ha diện tích dong riềng đỏ, trong đó: huyện Ba Bể 7 ha, huyện Na Rì 1,1 ha; năng suất ước đạt 300 tạ/ha, tỷ lệ tinh bột của dong riềng đỏ cao hơn dong riềng lai khoảng 8% (dong riềng lai 12%, dong riềng đỏ khoảng 20-22%); giá bán tinh bột cao hơn khoảng 3.000 đồng, giá bán miến dong có pha bột dong địa phương cao hơn khoảng 10.000-20.000 đồng.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cây dong riềng đỏ năng suất thấp hơn dong riềng lai, tuy nhiên tỷ lệ, chất lượng tinh bột, khả năng chống chịu hạn, chịu rét, ít sâu bệnh và giá bán các sản phẩm từ tinh bột dong riềng đỏ cao hơn. Do đó nếu phát triển, mở rộng quy mô diện tích, áp dụng thâm canh tăng năng suất và bao tiêu sản phẩm, cây dong riềng đỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cơ cấu lại sản phẩm chế biến từ dong riềng./.