Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng do ảnh hưởng của Cơn bão số 3

( Cập nhật lúc: 06/09/2024  )

Thực hiện văn bản số 1221/CT-CLT ngày 04/9/2024 của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất ứng phó với cơn bão số 3 – YAGI; văn bản số 1306/TL-VHTT ngày 05/9/2024 của Cục Thủy lợi về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng do ảnh hưởng của Cơn bão số 3; Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 của UBND tỉnh về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, năm 2024.

Theo nhận định của Đài khí tượng thuỷ văn Bắc Kạn, do ảnh hưởng của hoàn lưu báo số 3, từ gần sáng ngày 07 đến sáng 09/9/2024 ở các khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, úng gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung sau:

1. Rà soát kỹ tình trạng sẵn sàng vận hành của các công trình thủy lợi, bảo đảm không để xảy ra sự cố do chủ quan; thực hiện vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành được phê duyệt; bố trí nhân lực, nguyên vật liệu đầy đủ, bảo đảm chủ động vận hành công trình; Khẩn trương tiêu thoát nước đệm tối đa trong hệ thống kênh mương, vùng trũng trước khi có mữa, bão; Khi có mưa xảy ra, khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu úng, bảo đảm giảm thiếu tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra (Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai tại văn bản số 1943/SNN-CCTL ngày 05/9/2024).

2. Đối với cây lúa: Chủ động tiêu cạn nước, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh mương, kiểm tra tôn cao bờ, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng; Đối với diện tích lúa đã bón phân (bón đón đòng cho lúa Bao Thai), khẩn trương tôn cao bờ, cố định nước trong ruộng, không để nước chảy tràn qua ruộng để hạn chế thất thoát phân bón;

Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như: Rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

3. Với vùng rau màu, chuyên màu: Khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng thời chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch; chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Khẩn trương dựng những cây bị đổ ngã sau mưa bão, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo điều kiện thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh, phát triển; vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

4. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Chỉ đạo các địa phương
tập trung thu hoạch nhanh, gọn khi đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây; cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã;

Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây;

Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn, .. tránh hiện tượng nứt, rụng quả; Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩmsinh học đối kháng nấm hại;

Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.

5. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra.

Khẩn trương rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo, đề xuất chính sách hỗ trợ theo quy định.

Với nội dung trên, để nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện./.

 

Tải về tại đây: VB 1956 SNN.pdf

Admin