Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị quyết 37-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp

( Cập nhật lúc: 11/07/2019  )

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của Trung ương theo kế hoạch đề ra. Sau 15 năm thực hiện, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

Ngành bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 37 để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án nông lâm nghiệp cùng cách làm khoa học, do đó ngành đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,88%/năm. Tỷ trọng kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 giảm so với năm 2004 do những năm gần đây khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh. Giá trị sản phẩm bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt 1.654,986 tỷ đồng; giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành lâm nghiệp từ 99.682 triệu đồng năm 2004 tăng lên 740.790 triệu đồng năm 2018 (tăng 643%).

Đến hết năm 2018, lương thực bình quân đầu người từ 398 kg năm 2004 tăng lên 551kg/người/năm; diện tích trồng lúa chất lượng trên 3.000 ha, hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị; có 02 sản phẩm lúa chất lượng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang cây trồng có giá trị kinh tế cao đạt 1.386 ha, đến năm 2018 có 3.326 ha diện tích đất canh tác đạt 100 triệu đồng/ha trở lên.

 Mô hình cây ăn quả của HTX nông nghiệp xã Lương Hạ, huyện Na Rì

Chăn nuôi từng bước chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ về giống, thức ăn, quy trình, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi được chuyển giao ứng dụng và nhân rộng; nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; sản lượng thịt hơi các loại tăng mạnh qua các năm, năm 2018 đạt 22.532 tấn (trong đó thịt lợn đạt 14.783 tấn), tăng 99% so với năm 2004 (năm 2004 đạt 11.298 tấn); tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức cao; mỗi năm bình quân trên địa bàn toàn tỉnh trồng được 6.869 ha rừng là lợi thế của tỉnh để phát triển ngành chế biến lâm sản, tạo ra việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, số lượng hợp tác xã (HTX) trang trại, gia trại nông nghiệp tiếp tục tăng; đến nay trên địa bàn tỉnh có 129 HTX nông nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp diễn ra trên nhiều lĩnh vực, như chuyển dịch giữa trồng trọt và chăn nuôi, chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả... Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và phát triển theo hướng chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất ngày càng tăng, phát triển diện tích lúa đặc sản tạo thị trường hàng hoá, các giống cây ăn quả có chất lượng tốt được trồng mới và trồng thay thế, nhiều diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ, vùng rau an toàn được duy trì và mở rộng.

Có thể khẳng định kết quả của 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, nhận thức của cán bộ và nhân dân về nông nghiệp, nông thôn được nâng lên rõ rệt, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, tăng tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ, giảm sản xuất thuần nông. Đặc biệt trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông lâm nghiệp còn những mặt hạn chế như: phát triển chưa bền vững; cơ cấu kinh tế nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa chuyển dịch chậm; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn phát triển chưa mạnh; thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa ổn định; việc xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh còn hạn chế. Năng suất nhiều loại cây trồng tuy có tăng, nhưng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các vùng chuyên canh cây trồng, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung bước đầu đã hình thành, nhưng việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đầu tư hạ tầng.

Để sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển, đáp yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới, ngành nông nghiệp đề ra các giải pháp như: Tập trung khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên để chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại quy mô lớn; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh theo hướng chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa áp dụng phương thức sản xuất mới với mô hình liên kết giữa hộ gia đình với các hợp tác xã và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện trồng rừng, gắn với xây dựng các cơ sở chế biến gỗ quy mô phù hợp điều kiện kinh tế địa phương, xây dựng các vùng phát triển nguyên liệu tập trung ưu tiên trồng các loài cây mọc nhanh là các loại keo tại những nơi có địa hình thấp, thuận lợi trong việc khai thác, vận chuyển; các khu vực núi cao, địa hình khó khăn tập trung trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa và kết hợp đầu tư trồng những loài cây đa tác dụng có giá trị kinh tế như cây Lát, Hồi, Quế, Trám, Thông, Sao, Giổi xanh, Xoan, Sấu, Dẻ giúp nhân dân có thể thoát nghèo bền vững và làm giàu từ nông nghiệp./.

Hồng Chiêm