Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển trồng măng tre bát độ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 13/10/2017  )

Theo kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh diện tích cây tre bát độ có khoảng trên 40 ha, mang lại sản lượng hàng năm đạt khoảng 450 tấn măng, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Đồn và Bạch Thông.

 

Phần lớn cây tre bát độ được trồng phân tán, nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình trồng khoảng 1 - 2 khóm, cũng có hộ trồng thành khu tập trung theo mô hình nhưng diện tích nhỏ. Cơ bản người dân chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với cây tre bát độ như bón phân, tưới nước, thu hái, cắt tỉa… nên năng suất măng còn rất thấp so với khả năng cho năng suất của cây.

Sản phẩm măng hàng năm chủ yếu phục vụ nhu cầu của hộ gia đình và bán lẻ tại các chợ phiên và một số đầu mối thu mua để tiêu thụ ngoài tỉnh. Hiện nay có 01 Hợp tác xã sản xuất, sơ chế măng khô đối với măng tre bát độ, măng luồng, măng mảy puốc (HTX Cao Phong tại xã Xuân Lạc, Chợ Đồn ).

Cây tre bát độ được đánh giá là phù hợp với điều kiện tự nhiên của Bắc Kạn với ưu điểm vốn đầu tư ít, giai đoạn kiến thiết cơ bản ngắn, nếu chăm sóc tốt chỉ sau 1 - 2 năm là đã bắt đầu cho thu hoạch, sau 3 năm cây cho thu hoạch với năng suất cao, nếu tổ chức trồng tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sẽ cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi rừng có độ dốc lớn.

Hiện nay qua khảo sát cho thấy thị trường tiêu thụ cây măng bát độ tương đối ổn định, trong nước sử dụng làm thực phẩm ở hai dạng, măng củ tươi và măng khô, bên cạnh đó măng bát độ đang được chế biến xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Nhật Bản.

Để phát triển cây măng bát độ thành cây trồng có giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như tổ chức lại sản xuất, xây dựng các liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp từ khâu trồng - chăm sóc - thu hoạch - chế biến - bảo quản - thu mua sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất măng tre bát độ; rà soát các loại đất khe, đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất bãi trồng màu kém hiệu quả để trồng măng tre bát độ.

Về kỹ thuật, lựa chọn giống đảm bảo chất lượng; chăm sóc theo quy trình kỹ thuật và điều kiện thực tế tại địa phương để tăng năng suất, chất lượng măng, cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng diện tích trồng cây tre bát độ và coi đây là một cây trồng mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích thành lập các Hợp tác xã, các tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ măng nhằm thúc đẩy việc phát triển cây tre bát độ, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Hồng Thắng