Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xây dựng nhà lưới, nhà màng

( Cập nhật lúc: 05/08/2022  )

Xây dựng nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa, dưa, dâu tây... đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và sử dụng các quy trình canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển nền nông nghiệp bền vững của tỉnh. Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

 Nhà lưới (ảnh nguồn Iternet)

Ngày 04/8/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn tạm thời xây dựng nhà lưới, nhà màng với các yêu cầu kỹ thuật như sau:

Đối với khung nhà

+ Cột, móng: Sử dụng thép mạ kẽm có độ bền cao, dày từ 1,4 mm trở lên, dạng tròn, dạng hộp... hoặc bằng bê tông; đảm bảo chịu được tải trọng của nhà, của gió, trụ móng cột vững chắc.

Đối với nhà lưới: Khoảng cách mỗi trụ theo chiều dài nhà tối đa 5 m, theo chiều rộng nhà tối đa 9,6 m; chiều cao cột 2,4 - 9 m; chiều sâu móng phụ thuộc vào địa chất. Đảm bảo trọng tải của cả nhà, chống được lún, bật móng, lật nhà...

Đối với nhà màng: Khoảng cách mỗi trụ theo chiều dài nhà tối đa 6 m, theo chiều rộng nhà tối đa 12,8 m; chiều cao cột  4 - 11 m; chiều sâu móng phụ thuộc vào địa chất. Đảm bảo trọng tải của cả nhà, chống được lún, bật móng, lật nhà...

+ Khung: Sử dụng thép mạ kẽm có độ bền cao, dày từ 1,4 mm trở lên, dạng tròn, dạng hộp, dạng elip... Đảm bảo trọng tải của các liên kết khung và các thiết bị của toàn bộ nhà.

+ Mái: Dạng mái hở hoặc mái kín. Khoảng cách giữa 2 thanh vòm (vì kèo) theo chiều dài nhà từ 2-4 m. Đối với nhà màng mái hở cần có khe thông gió đỉnh mái tối thiểu rộng 0,6 m với nhà có khổ rộng 6,4 m trở lại và với nhà khổ rộng trên 8 m cần khe thông gió >1 m để đảm bảo tính đối lưu không khí tự nhiên cho nhà, độ dốc mái nhà phải đạt 20 độ trở lên so với bề mặt nằm ngang để đảm bảo thoát nước tốt.

+ Chạy lực tính toán sức chịu gió của nhà (dựa vào hồ sơ chạy lực):

Đối với nhà lưới phải chạy lực tính toán chịu được sức gió >62 km/h (tương đương gió cấp 8 trở lên).

Đối với nhà màng phải chạy lực tính toán chịu được sức gió >89 km/h (tương đương gió cấp 10 trở lên).

+ Chiều cao nhà tính từ sàn nhà tới nóc: 2,4 - 9 m (đối với nhà lưới), 4 - 11 m (đối với nhà màng).

+ Chi tiết liên kết: Toàn bộ kết cấu khung, giằng, xà gồ của các nhà tốt nhất sử dụng liên kết bắt các thanh khung bằng bulong, ốc vít. Không nên sử dụng mối hàn để đảm bảo tính cơ động, chắc chắn và dễ dàng tháo lắp khi cần thiết. Ngoài ra liên kết bulong cũng giúp khử lực rung do gió của nhà tốt hơn liên kết hàn (liên kết hàn dễ bị gió rung bẻ gãy mối hàn hoặc dễ bị ăn mòn tại điểm hàn do lớp kẽm bị phá hủy). Liên kết giữa móng và cột: Móng cột đổ bê tông cốt thép.

+ Cửa ra vào: Cửa ra vào phải làm dưới dạng khoang cách ly với 2 cửa kép chống côn trùng. Cửa ra vào nên có quạt đuổi côn trùng và dụng cụ vệ sinh tay, khay dung dịch hoặc vôi bột khử trùng chân trước khi vào nhà.

Đối với nhà màng, bắt buộc phải có máng xối thoát nước và hệ thống giằng chống bão:

+ Máng xối thoát nước: Giúp thoát nước mưa và hỗ trợ liên kết khung nhà. Máng được làm bằng thép, tôn mạ kẽm, chống rỉ, có độ dày từ 0,5 mm trở lên, chiều rộng và sâu của máng từ 20 cm trở lên. Máng được gắn cố định, chắc chắn trên đầu các cột, nước mưa chảy đến cuối mỗi đường máng được gom vào ống dẫn xuống hệ thống thoát nước dưới mặt đất.

+ Hệ thống giằng chống bão: Sử dụng thép mạ kẽm, độ dày tối thiểu 1,4 mm, gồm: Hệ thống giằng nằm ngang kết nối các đầu cột với nhau; giằng chữ “X” và chữ “V” được bố trí tại các góc, đan xen ở bên trong và xung quanh nhà; hệ thống giằng chạy ngang, dọc tạo ô “bàn cờ” xung quanh nhà để bắt nẹp, zic zắc cố định lưới, màng nilon... Tất cả tạo cho khung nhà vững chắc, đảm bảo khả năng chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi như: Giông, lốc, bão...

Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế, có thể lắp đặt liên hoàn nhiều nhà theo kết cấu như trên thành một nhà hoặc có thể bố trí thành các nhà riêng biệt trên cùng khu vực canh tác để đạt diện tích từ 2.000 m2 trở lên.

- Lưới, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat

+ Khung nhà liên kết với lưới, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat bằng nẹp và zic zắc lò xo tạo độ chắc chắn và dễ dàng tháo lắp, thay thế.

+ Lưới chắn côn trùng, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat cần sử dụng loại có độ dày, độ thấu quang phù hợp (nên dùng loại có độ xuyên sáng >80%), làm bằng chất liệu chịu cường lực cao, có độ bền ít nhất 3 năm, giúp sản xuất ổn định, lâu dài.

- Thiết bị khác

+ Thiết bị điều tiết nhiệt độ: Có thể sử dụng lưới đen, lưới nhôm, vải bảo ôn, hệ thống tấm làm mát, quạt đối lưu không khí, điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà sản xuất. Tốt nhất có thể đảm bảo điều chỉnh nhiệt độ trong nhà từ 35oC trở xuống.

+ Thiết bị điều tiết độ ẩm: Sử dụng hệ thống phun sương, hệ thống tưới để tạo độ ẩm cho nhà sản xuất. Hệ thống quạt hút, thông gió, máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh độ ẩm trong nhà sản xuất.

+ Thiết bị tưới: Tùy thuộc vào loại cây trồng, mức độ đầu tư mà có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều tiết bị tưới với nhau. Các thiết bị tưới có thể điều khiển tự động, bán tự động hoặc thủ công đảm bảo tưới đúng lượng nước thích hợp cho nhu cầu của cây, tối ưu độ ẩm đất và giá thể trồng. Hiện tại có một số thiết bị tưới chính như: Thiết bị tưới nhỏ giọt, thiết bị tưới phun mưa, phun sương...

Sở Nông nghiệp và PTNT giao các phòng, đơn vị trực thuộc Sở như phòng Kế hoạch - Tài chính chủ trì, triển khai thực hiện hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị chuyên môn thuộc Sở, các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với đơn vị liên quan để thực hiện hướng dẫn này; Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và QLCL hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới theo tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng; Trung tâm Khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu, tập huấn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiệu quả để các tổ chức, cá nhân biết, học tập kinh nghiệm; Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành lập hợp tác xã, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao..../.

Hồng Chiêm