Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thúc đẩy các hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 08/04/2019  )

Những năm qua cấp ủy, chính quyền và hội đoàn thể các cấp đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ các hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã tại cơ sở, kết quả tính đến hết quý I năm 2019 số lượng hợp tác xã (HTX), trang trại, gia trại nông nghiệp tiếp tục tăng.

 

 

 Chè Shan tuyết Bằng Phúc với các sản phẩm chè xanh, Hồng trà và Bạch trà của HTX Hồng Hà

Tính đến hết Quý I năm 2019, toàn tỉnh có 126 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động theo các lĩnh vực chính như nông lâm nghiệp, thuỷ sản. Hiện nay tất cả các HTX nông nghiệp đã hoàn thành việc chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012. HTX nông nghiệp bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp hiện có 122 tổ, các THT đều có hợp đồng hợp tác được UBND xã xác nhận. Số THT hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vựctrồng trọt có 49 tổ, 34 tổthuộc lĩnh vực chăn nuôi, 01 lâm nghiệp, 11 tổ dùng nước, 27 tổ tổng hợp.Đây là hình thức tổ chức sản xuất ở mức độ thấp; hoạt động chủ yếu hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm và theo tích chất thời vụ là chính.

Về trang trại, toàn tỉnh hiện có 797 trang trại, gia trại, trong đó có 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNN của Bộ NN&PTNT; có 788 gia trại và 02 doanh nghiệp chăn nuôi. Số lao động trong trang trại 500 người, bình quân 7 người/1 trang trại. Ước tính vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của trang trại bình quân 500 triệu đồng/trang trại, tổng giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại là bình quân 615,8 triệu đồng/01 trang trại. Nhìn chung, kinh tế trang trại đã có đã có những chuyển biến tích cực, xuất hiện một số mô hình trang trại sản xuất có hiệu quả, mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn.

Về liên kết sản xuất, bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, đã có một số doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, dược liệu như: Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn liên kết với 03 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm nghệ; Công ty TNHH nhà máy Cucumin Bắc Hà; Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp HTL; Công Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn; Công Ty cổ phần SaHaBak và một số cơ sở chế biến, bóc gỗ bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân; Công ty Thuốc lá Hoàng Liên Sơn, Hợp tác xã Châu Hưng bao tiêu sản phẩm thuốc lá cho người dân; Doanh nghiệp Donavi tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã Hoàng Huynh, HTX Nhung Lũy, HTX Sang Hà, HTX Phúc Ba, HTX Yến Dương; tổ hợp tác bí xanh thơm Địa Linh và một số cửa hàng thực phẩm sạch, cơ sở kinh doanh bao tiêu các sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, từ tháng 4 đến tháng 5/2018, Bắc Kạn đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, kết quả bình chọn được 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho các siêu thị, hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn tại một số tỉnh lân cận, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ổn định giá ở mức có lợi cho người dân. Phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, kết quả có 45 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có 32 sản phẩm đạt 03 sao và 05 sản phẩm đạt 4 sao; tổ chức thành công Tuần lễ cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT sự phát triển của kinh tế tập thể đã đạt được những kết quả nhất định, nhận thức của người dân về bản chất, vai trò, nội dung hoạt động của hợp tác xã ngày càng được nâng lên; vai trò của HTX nông nghiệp trong việc thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp sạch để được chứng nhận an toàn thực phẩm và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được thể hiện rõ nét. Các thành viên HTX nông nghiệp thấy được lợi ích thiết thực khi liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, do sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp của tỉnh còn chưa phát triển, nhu cầu hợp tác chưa cao. Trình độ sản xuất của lao động nông nghiệp, nông thôn còn ở mức thấp, ý thức sản xuất hàng hóa, hợp tác liên kết còn nhiều hạn chế; Quản lý vẫn còn buông lỏng ở cấp quản lý HTX như xây dựng kế hoạch hàng năm, nhu cầu cần hỗ trợ, các chế độ báo cáo, trách nhiệm và nghĩa vụ của HTX; Chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX có nhưng nguồn lực hàng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện rất ít nên chưa thu hút được doanh nghiệp và người dân tham gia liên kết.

Mặc dù liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp ổn định về sản xuất và đầu ra của sản phẩm cho nông dân, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất nhưng hiện tại quy mô liên kết còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu diễn ra giữa người nông dân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp; số HTX, tổ hợp tác tham gia liên kết còn ít…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn, hiện tại có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn, một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như quýt Bắc Kạn; hồng không hạt hoặc chứng nhận Nhãn hiệu tập thể như Gạo bao thai Chợ Đồn, gạo Khẩu nua lếch, miến dong Bắc Kạn, chè Shan tuyết Bằng Phúc…nhưng đa số vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tình trạng lệ thuộc nhiều vào thị trường; trong khi đó nhiều doanh nghiệp muốn liên kết sản suất nhưng các hộ sản xuất không tập trung, thiếu nhân tố sản xuất của kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác), không tổ chức sản xuất theo chuỗi mà mạnh ai nấy làm dẫn đến tiêu thụ vẫn bấp bênh.

Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể các cấp hiện nay việc phát triển kinh tế tập thể, HTX đã bắt đầu có bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, trong điều hiện nay việc đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật dẫn đến năng suất, sản lượng ngày một tăng lên nhưng người tiêu dùng lại quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản, sản phẩm sản xuất ra chưa được chứng nhận an toàn thực phẩm nên không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng mất cân đối trong cung - cầu. Do vậy vấn đề đặt ra là kinh tế hộ cần phát triển theo mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới, bởi nếu không liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thì người nông dân sẽ chịu thiệt thòi.

Những hạn chế nêu trên đã xảy ra không chỉ riêng đối với tỉnh Bắc Kạn mà còn các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, để tháo gỡ kho khăn và thúc đẩy các hoạt động liên kết hợp tác trong sản xuất ngày 05/7/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/201//NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, trong đó ban hành các chính sách như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết. Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nội dung  về xây dựng mô hình khuyến nông; đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã; ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020, đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc hình thành và phát triển việc tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới./.

Hồng Thắng