Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Toạ đàm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 21/11/2022  )

Nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông phổ biến thông tin từ đó tạo động lực cho nông dân liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong 02 ngày, từ ngày 16-17/11/2022, tại thành phố Bắc Kạn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn, Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức tọa đàm “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn”.

Tham dự tọa đàm có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các đơn vị khác trong Bộ; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh đoàn, Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến nông và nông dân tỉnh Bắc Kạn là những thanh niên khởi nghiệp, thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp; Cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã.

 Toàn cảnh cuộc toạ đàm

Nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn trực tiếp trao đổi thảo luận cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp về cơ chế chính sách ưu đãi, về liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hiện nay. Góp phần giúp người sản xuất thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, theo quy trình VietGAP, hữu cơ...Nâng cao sự hiểu biết, kinh nghiệm trong việc kết nối, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tìm ra các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm. Tọa đàm khuyến nông là cầu nối giữa người sản xuất với các nhà khoa học, quản lý, các doanh nghiệp thông qua việc trao đổi, thảo luận về những vấn đề trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Tọa đàm đã nghe qua một số báo cáo tham luận như: Kết quả đạt được về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ phát triển nông nghiệp; Chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm...Buổi tọa đàm thu hút hơn 80 đại biểu nông dân là thanh niên nông thôn tham gia. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Xây dựng dự án liên kết hỗ trợ phát triển sản xuất của các hợp tác xã, liên kết tiêu thụ sản phẩm, các nguồn lực hỗ trợ, kênh kết nối liên kết...

Phát biểu tại tọa đàm ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn cho biết: Liên kết sản xuất vừa là định hướng vừa là xu thế phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, sản xuất theo khả năng chưa theo thị trường, năng suất lao động nông nghiệp thấp, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa hạch toán trong sản xuất...khi thực hiện liên kết cần sản xuất theo yêu cầu của thị trường, theo kế hoạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín nâng cao năng suất lao động nâng cao thu nhập cho người lao động và lợi nhuận của hợp tác xã. Do đó để xây dựng dự án liên kết lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án, chuyển giao kỹ thuật dự án, tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại tọa đàm cũng đã nêu vai trò hoạt động khuyến nông trong kinh tế hợp tác xã: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho HTX, nông dân, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ HTX, nông dân xây dựng các mô hình khuyến nông chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, các chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm cho HTX, nông dân.

 

Hoạt động khuyến nông trong liên kết sản xuất: Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi ngành hàng, nhu cầu của nông dân, HTX đối với các loại hình dịch vụ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật sẽ ngày càng phát triển và đa dạng. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng tạo điều kiện để ngành Nông nghiệp mở rộng thị trường và khuyến nông tiếp cận được với nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Xã hội hóa khuyến nông, đối tác công tư (PPP) sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức khuyến nông nhà nước liên kết, hợp tác với khối tư nhân (trọng tâm là các doanh nghiệp) để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thu hút nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông. Các cơ quan khuyến nông từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và nhất là các tổ khuyến nông cộng đồng luôn thực hiện vai trò là hỗ trợ, tư vấn cho các hộ nông dân, HTX tham gia thị trường và liên kết chuỗi giá trị; cụ thể: Tư vấn hỗ trợ trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng công cụ thúc đẩy thương mại sản phẩm; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và các tỉnh; Xây dựng các video clip để hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu cách làm; Xây dựng và hoàn thiện mô hình liên kết theo chuỗi giữa nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp làm điểm để nhân ra diện rộng; Phát triển tài liệu, giáo trình, sổ tay phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng, truyền thông phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng Mô-đun Đào tạo từ xa; Xây dựng Website giới thiệu, quảng bá sản phẩm..

Trong khuôn khổ tọa đàm các đại biểu đã đi tham quan mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn./.

Nguyễn Thị Liễu