Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tốc độ phát triển ngành Nông nghiệp Bắc Kạn tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2018

( Cập nhật lúc: 26/06/2019  )

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn ước đạt 1.493.360 triệu đồng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được diễn ra trên diện rộng và trên nhiều lĩnh vực, như chuyển dịch giữa trồng trọt và chăn nuôi, chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp; sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, ngày càng phát triển theo hướng chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đa dạng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất ngày càng tăng, phát triển diện tích lúa đặc sản tạo thị trường hàng hoá, các giống cây ăn quả có chất lượng tốt được trồng mới và trồng thay thế. Nhiều diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ, vùng rau an toàn đang được duy trì và mở rộng, cụ thể:

Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông - Xuân ước đạt 88.830 tấn, đạt 103% kế hoạch (KH); cây thuốc lá thực hiện được 869 ha, sản lượng ước đạt 1.873 tấn; cây đậu tương trồng được 208 ha, sản lượng ước đạt 366 tấn; cây rau các loại  1.667 ha, sản lượng ước đạt 20.300 tấn,… Đối với cây ăn quả, toàn tỉnh đã trồng mới được 76 ha cam, quýt và 62 ha cây mơ; sản lượng mơ ước đạt 1.295 tấn, sản lượng mận ước đạt 1.594 tấn.

Các địa phương đã chuyển đổi 293 ha đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, đạt 86% KH; đăng ký duy trì diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018 là 1.386 ha, đạt 100% kế hoạch.

 Mô hình trồng rau ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đang phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh (Ảnh Lê Trang)

Trong 6 tháng đầu năm công tác chăn nuôi phát triển chậm, tổng đàn các loại vật nuôi giảm so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt là đàn lợn giảm mạnh do trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh tả lợn Châu Phi, thậm chí có thôn, bản hiện nay không còn lợn nuôi tại các hộ dân, tính đến ngày 25/6/2019 dịch đã xuất hiện tại 381 thôn, 1.737hộ, có 9.993 con bị nhiễm bệnh, đã tiêu hủy 14.578 con với khối lượng 674.305kg. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 9.000 tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Diện tích nuôi trồng thủy sản thực hiện được trên 1.262ha, đạt 92% kế hoạch tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 500m3 lồng nuôi thủy sản tại các hồ có diện tích mặt nước lớn.

Các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất được tăng cường; dịch vụ tưới tiêu được thực hiện tốt đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và chăm sóc cây trồng; hệ thống phân phối dịch vụ về vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến người dân đảm bảo yêu cầu cho sản xuất. Các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Công tác phát triển rừng được các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện. Toàn tỉnh đã đăng ký trồng rừng được 6.010 đạt 105% kế hoạch. Tính đến ngày 21/6/2019, các địa phương đã trồng được 5.017 ha, đạt 87% KH, khai thác được 205.391 m3 gỗ, đạt 103% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường.

Để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung triển khai phương án sản xuất vụ mùa, trong đó chỉ đạo nhân dân tập trung thu hoạch nhanh gọn các cây trồng vụ xuân, vệ sinh đồng ruộng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, đặc biệt là đúng cơ cấu cây trồng, gieo trồng trong khung thời vụ, mở rộng diện tích áp dụng canh tác lúa cải tiến - SRI; UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng trừ sinh vật gây hại, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đến sản xuất và môi trường, tăng cường công tác dự tính dự báo bảo vệ thực vật; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác quản lý con giống và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn; tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đúng khung thời vụ; quản lý tốt công tác khai thác lâm sản./.

Hoàng Hiếu