Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp triển khai có hiệu quả việc xây dựng các mô hình dự án liên kết theo chuỗi giá trị

( Cập nhật lúc: 17/07/2024  )

Năm 2024, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đang tổ chức, triển khai thực hiện 340 dự ánhỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm: 108 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (74 chuyển tiếp, 34 dự án mới thực hiện năm 2024) và 232 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Với tổng kinh phí thực hiện năm 2024 là: 220.142,3 triệu đồng, gồm 62.347,3 triệu đồng chuyển nguồn năm 2023 sang thực hiện năm 2024 và 157.795 triệu đồng giao mới năm 2024. Tổng kinh phí đã giải ngân được: 9.896,63 triệu đồng/220.142,3 triệu đồng, đạt 4,49% vốn giao.

 Kiểm tra dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi dê sinh sản thuộc HTX Vạn Xuân, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm

Trong đó các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đang tổ chức, triển khai, thực hiện là 16 dự án (năm 2022: 5 dự án, năm 2023: 11 dự án). Với tổng kinh phí phân bổ: 16.076,3 triệu đồng (chuyển nguồn năm 2023 sang: 7.910,3 triệu đồng; năm 2024 phân bổ 8.166 triệu đồng). Hiện nay các dự án đang tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền, chưa giải ngân nguồn vốn được giao.

Thông qua thực hiện các dự án, các mô hình dự án liên kết theo chuỗi giá trị, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã hình thành các mô hình, dự án liên kết sản xuất do các doanh nghiệp, HTX làm chủ trì. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, qua đó đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất dong riềng, vùng sản xuất Bí xanh thơm, vùng sản xuất nguyên liệu tinh bột nghệ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, sản xuất cây ăn quả tập trung, chăn nuôi lợn, gà theo hướng tập trung, phát triển chăn nuôi đại gia xúc; góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28/95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 29,47%; 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; toàn tỉnh đã có 218 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên trong đó có: 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 199 sản phẩm 3 sao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, cụ thể như: Các chủ trì liên kết chủ yếu là các HTX, trình độ, năng lực còn hạn chế nên việc thực hiện các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hợp tác xã còn lúng túng trong việc đề xuất xây dựng các mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, cũng như giải ngân các nguồn vốn được hỗ trợ. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất của các HTX còn nghèo nàn, lạc hậu, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản gần như không có nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất cũng như yêu cầu của các đối tác muốn xây dựng liên kết. Việc tuân thủ hợp đồng liên kết của người dân còn chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng người dân tự phá vỡ hợp đồng liên kết, liên kết lỏng lẻo, chưa bền vững. Chưa tự duy trì và mở rộng liên kết sau khi kết thúc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia chuỗi liên kết chưa nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ, chưa tổ chức chế biến sâu các sản phẩm từ mô hình, dự án liên kết, dẫn đến tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm chưa cao, còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có bao bì, nhãn mác, thương hiệu, khó cạnh tranh và tiêu thụ …

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu kịp thời cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn trong triển khai thực hiện các mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực của các bên tham gia vào mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị để họ nhận thấy lợi ích của việc tham gia các mô hình, dự án liên kết.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các mô hình dự án liên kết, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Các cơ quan truyền thông, tiếp tục thông tin, đưa tin về phát triển chuỗi liên kết, cũng như các mô hình liên kết có hiệu quả, những kinh nghiệm, cách làm  hay trong quá trình thực hiện để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng. 

Tiếp tục hướng dẫn các HTX nâng cao dây truyền tổ chức sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ mô hình, dự án liên kết gắn truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm./.

Admin